Thực tế, nhiều vụ việc chỉ được phát hiện khi các đối tượng thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng cho người thứ ba hoặc làm thủ tục thế chấp vay vốn ngân hàng, nên để lại hậu quả khó khắc phục.
Khuôn mặt rầu rĩ, chị Kưm (SN 1978, ở làng Xoá, xã Chư Dang Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) cho biết, mình đang lo lắng vì sợ mất mảnh vườn 5 sào cà phê về tay người khác. Chị Kưm kể, năm 2018, vì cần vốn để làm ăn, vợ chồng chị đồng ý cho người cùng làng là bà Vũ Thị Hằng thuê đất trong thời hạn 10 năm, với giá 100 triệu đồng.
Trong thời gian này, bà Hằng có đưa cho vợ chồng chị ký một số giấy tờ để thoả thuận việc thuê đất. Cứ đinh ninh sau 10 năm sẽ quay lại canh tác, nhưng tới 1/2022, khi cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Chư Păh tới nhà xác minh, chị mới biết đất của mình đã được chuyển nhượng cho bà Hằng từ tháng 8/2020, hiện người này đang làm thủ tục chuyển nhượng cho người thứ ba.
Chị Kưm kể lại: "Mình cho thuê mà lại thành sang tên đất cho bà ấy. Bà ấy kêu em út, cha mẹ vào lăn tay, làm lại bìa mà mình không biết. Nếu bà Hằng không trả lại đất cho tôi, thì tôi sẽ kiện ra tòa".
Tại làng Xóa, gia đình ông Chang (SN 1981) cũng lo lắng mất mảnh vườn hơn 300 mét vuông đang sinh sống. Lý do là năm 2020, gia đình ông đã giao chứng nhận quyền sử dụng đất, nhờ bà Hằng giúp vay vốn ngân hàng. Từ đó tới nay, gia đình ông Chang chưa nhận được tiền vay, mà sổ đỏ cũng mất tăm. Phải tới cuối tháng 2/2022, khi có nhóm người lạ đến nhà đòi số tiền 140 triệu đồng, thì vợ chồng ông mới biết rằng sổ đỏ của mình bị bà Hằng thế chấp để vay lãi.
Ông Hoàng Anh Tuệ - Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai cho biết, trong năm 2021, bà Vũ Thị Hằng đã nhiều lần thực hiện giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất và các đất này đều không chính chủ. Đầu 2022, bà Hằng lại liên tục làm hồ sơ thế chấp ngân hàng và chuyển nhượng các đất này cho người thứ ba. Nhận thấy có dấu hiệu bất thường, đơn vị tiến hành xác minh 4 trường hợp tại xã Chư Dang Ya thì cả 4 hộ dân đều cho biết không bán đất.
Theo ông Hoàng Anh Tuệ , nhận thấy tình trạng này sẽ ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của người dân, nên đơn vị đã có văn bản đề nghị UBND các xã cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong hỗ trợ người đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các giao dịch đất đai.
Ông Hoàng Anh Tuệ cho biết: “Đối với các xã ở vùng dân tộc thiểu số thì cán bộ công chức tư pháp xã phải nâng cao vai trò, trách nhiệm. Khi thực hiện các quyền cho người dân thì yêu cầu phải đọc cho 2 bên nghe, hỏi có chuyển nhượng hay không, thậm chí phải nhắc đây là bán đất cho người khác hay không. Người địa phương không nghe được tiếng người Kinh thì phải có cán bộ người địa phương dịch từ tiếng Kinh sang tiếng đồng bào để người chuyển quyền hiểu được”.
Ông Nguyễn Văn Nội- Chủ tịch UBND xã Chư Dang Ya, huyện Chư Păh cho biết, hiện nay, chính quyền địa phương và các đoàn thể đang tích cực rà soát, xác minh hoạt động chuyển nhượng đất đai tại địa phương trong thời gian gần đây, đồng thời phối hợp tuyên truyền cho người dân cảnh giác hơn trong thực hiện các giao dịch về đất đai.
Ông Nội cho biết: “Khi phát hiện được sự việc này, chúng tôi đã chỉ đạo cho công an và cơ quan đoàn thể đến từng hộ gia đình xuống tận các làng, vận động các gia đình để tránh tình trạng bị mắc lừa như vậy”.
Sau khi nắm được thông tin, hiện UBND huyện Chư Păh, tình Gia Lai đã yêu cầu các đơn vị tạm dừng cho thực hiện các giao dịch để công an huyện vào cuộc điều tra, làm rõ các vụ việc chuyển nhượng đất đai bất thường liên quan tới người dân tộc thiểu số tại xã Chư Dang Ya./.