Chiều 21/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Cảnh vệ. Một trong những vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm là vấn đề bình đẳng giới được quy định trong điều luật này.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh – Đoàn Bình Định nêu quan điểm, quy định về bình đẳng giới được nêu tại điều 5 của dự thảo Luật Cảnh vệ.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh nếu quan điểm về Luật cảnh vệ |
Theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, việc luật hóa bình đẳng giới theo dự thảo còn mang tính chung chung chưa cụ thể.
Khoản 1, điều 15, quy định người là đối tượng cảnh vệ được yêu cầu cảnh vệ là người cùng giới tính. “Tôi phân vân cụm từ cùng giới tính”, đại biểu Lý Tiết Hạnh cho biết.
Đại biểu cho rằng, việc sử dụng cụm từ này có thể tạo nên sự bất bình đẳng về giới.
“Đồng thời tôi phân vân. Việt Nam mình chưa phổ biến nhưng ở các nước khác tôi nghe rất nhiều vấn đề giới tính thứ ba. Nếu chúng ta trong làm việc có yếu tố nước ngoài, hoặc ở Việt Nam trong tương lai nếu có vấn đề liên quan yêu cầu đến giới tính yêu cầu bảo vệ thì chúng ta có đáp ứng được hay không. Cái này chúng ta cần nghiên cứu rõ ràng khoa học và mang tính phát triển đối với dự thảo luật liên quan đến vấn đề này”, đại biểu đoàn Bình Định nói.
Cũng liên quan về vấn đề giới tính được nêu trong dự thảo Luật cảnh vệ, nhưng ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Trọng Bình – Đoàn Hải Phòng cho rằng, khoản 7, điều 9 quy định Cấm phiên biệt đối xử về giới trong công tác cảnh vệ là chưa rõ nghĩa.
Công tác cảnh vệ là thực hiện công tác bảo vệ, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ.
Biện pháp cơ bản cao nhất là nổ súng. Trong nổ súng, nguyên tắc nổ súng là không nổ súng vào phụ nữ trừ trường hợp đối tượng này có vũ khí, vật liệu nổ. Như vậy là có sự phân biệt giới. Nguyên tắc thể hiện trong Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đang trình Quốc hội.
Nguyên tắc này cũng được nhắc lại trong khoản 2, điều 23, dự thảo Luật Cảnh vệ.
Theo đại biểu Nguyễn Trọng Bình như vậy là có sự mâu thuẫn nên cần phải nghiên cứu và làm rõ phạm vi điều chỉnh trong phân biệt giới.
Cần cho cảnh vệ những quyền đặc biệt
Nêu quan điểm tại hội trường, đại biểu Nguyễn Đình Tiến – Đoàn Quảng Nam cho hay, chúng ta cần cho cảnh vệ những quyền đặc biệt, chứ nếu tham chiếu thì luật này sẽ đá luật kia, như vậy sẽ rất vất vả cho lực lượng cảnh vệ. “Nếu không cẩn thận thì vì luật mà lực lượng cảnh vệ không hoàn thành được nhiệm vụ”, đại biểu đoàn Quảng Nam nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Đình Tiến – Đoàn Quảng Nam đề nghị quyền đặc biệt cho lực lượng cảnh vệ. |
Về điều 24 của dự thảo Luật cảnh vệ quy định “Huy động người, thực hiện trưng dụng tài sản, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ”, đại biểu Nguyễn Đình Tiến cho rằng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nếu không cho lực lượng cảnh vệ trưng dụng tài sản thì cũng khiến họ không thể hoàn thành nhiệm vụ.
“Anh đang đi, xe của anh hỏng, nếu anh không trưng dụng một xe khác để đi trước hoặc sau xe của đối tượng cảnh vệ thì không bảo đảm an toàn cho đối tượng cảnh vệ”, đại biểu đoàn Quảng Nam cho hay.
Tuy nhiên việc trưng dụng tài sản của cảnh vệ lại vướng Luật trưng mua, trưng dụng. Theo Luật trưng mua, trưng dụng chỉ cho phép các Bộ trưởng được quyền trưng mua, trưng dụng. Và hoạt động ở tỉnh nào thì Chủ tịch tỉnh đó được quyền trưng mua.
“Nghĩ kỹ thì không thể cho một anh chiến sĩ cảnh vệ mà lại có quyền ngang Chủ tịch tỉnh được cho nên đây là vấn đề chúng ta cần cân nhắc kỹ. Mục tiêu cuối cùng trong công tác cảnh vệ là là bảo vệ an toàn cho đối tượng cảnh vệ cho nên về vấn đề này theo tôi quy định theo Luật cảnh vệ hoặc điều chỉnh luật kia (PV- Luật trưng mua trưng dụng). Tốt nhất là quy định theo luật này”, đại biểu nêu quan điểm.
Đồng thời đại biểu Nguyễn Đình Tiến cũng đề nghị cụ thể hóa các trường hợp trưng mua trưng dụng để tránh lạm quyền.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Trọng Bình – Đoàn Hải Phòng cũng cho rằng, lực lượng cảnh vệ và công tác cảnh vệ là hoạt động đặc biệt nên có quyền huy động trung dựng. Cho nên không quy chiếu sang các luật khác, mà cụ thể hóa quy trình, thủ tục để phục vụ cho công tác cảnh vệ.
Liên quan đến quy định về chính sách, đại biểu Nguyễn Đình Tiến – Đoàn Quảng Nam nói: “Báo cáo Quốc hội, tôi cũng từng chỉ huy lực lượng cảnh vệ. Họ làm rất nhiều nhiệm vụ. Anh em cảnh vệ rất vất vả. Các đồng chí gác nhiều khi thay phiên nhau chạy ra làm miếng bánh mì kẹp thịt với nước suối rồi lại vào làm nhiệm vụ. Đi thì chạy trước, đến trước, chuẩn bị trước, rồi về thì cũng phải đi cùng. Cho nên đề nghị trong chính sách đối với đối tượng cảnh vệ, chúng ta nên cho phụ cấp đặc thù”.
Vấn đề nổ súng quy định trong Luật cảnh vệ cũng được đại biểu quan tâm. Các đại biểu cho rằng, cần quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn vấn đề nổ súng để đảm bảo quyền thực thi nhiệm vụ của chiến sỹ cảnh vệ, vừa không vi phạm quyền con người, quyền công dân.
Bộ trưởng Tô Lâm giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về Luật cảnh vệ |
Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thượng tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về Luật cảnh vệ.
Về quy định nổ súng, Thượng tướng Tô Lâm cho biết, Ban soạn thảo dự kiến sẽ chỉnh lý về trường hợp nổ súng, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ của lực lượng cảnh vệ một cách cụ thể để đảm bảo quyền công dân và tạo điều kiện cho lực lượng cảnh vệ hoàn thành nhiệm vụ.
Điều kiện tiêu chuẩn tuyển chọn, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, không phân biệt nam hay nữ mà phải đáp ứng được tiêu chuẩn chung được đề ra trong dự thảo luật.
Đối với chế độ chính sách, Thượng tướng Tô Lâm cho biết, các bộ chiến sĩ cảnh vệ được hưởng phụ cấp ưu đãi.
Các ý kiến khác của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật cảnh vệ sẽ được ban soạn thảo tiếp thu và tiếp tục điều chỉnh, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết./.
“Sau vụ Yên Bái, nhiều ý kiến muốn tăng đối tượng cảnh vệ“