Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi các Sở Giao thông Vận tải địa phương, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam về lộ trình cấp giấy phép kinh doanh vận tải và cấp phù hiệu cho phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa.
Theo đó, trước 1/7/2016, phương tiện của các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa có tải trọng thiết kế từ 7 tấn đến dưới 10 tấn phải được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, cấp phù hiệu và gắn thiết bị giám sát hành trình (hộp đen).
|
Xe tải từ 7 đến dưới 10 tấn phải lắp hộp đen trước ngày 1/7 tới. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Trước 1/1/2017, phương tiện của các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa có tải trọng thiết kế từ 3,5 tấn đến dưới 7 tấn phải được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, cấp phù hiệu và gắn thiết bị giám sát hành trình.Nhằm kịp thời thực hiện điều kiện kinh doanh theo lộ trình quy định của Nghị định 86/2014/NĐ-CP, hạn chế tình trạng các đơn vị kinh doanh vận tải không nắm rõ thông tin và văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước nên không kịp chuẩn bị thực hiện, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ đạo các Trung tâm đăng kiểm thông tin, hướng dẫn tới các đối tượng phải thực hiện điều kiện kinh doanh nêu trên khi vào kiểm tra và đăng kiểm phương tiện; các Trung tâm đăng kiểm niêm yết lộ trình này tại bảng tin để chủ phương tiện biết và chuẩn bị thực hiện.Các Sở Giao thông Vận tải thống kê số lượng phương tiện phải thực hiện điều kiện kinh doanh vận tải theo lộ trình, có tuyên truyền, thông tin tới chủ phương tiện nắm rõ để kịp triển khai nộp hồ sơ tới Sở cấp giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định; hướng dẫn thủ tục, trang thiết bị và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa đến để được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải, cấp phù hiệu “XE TẢI” nhanh chóng, thuận tiện và đúng quy định.Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải các địa phương phải tổng hợp để dự kiến số lượng các loại ấn phẩm phù hiệu trong đó đặc biệt là phù hiệu “XE TẢI” cần sử dụng để gửi về các Cục Quản lý đường bộ I, II, III và IV (trước 30 ngày cần nhận) để Tổng cục Đường bộ có kế hoạch in ấn, kịp thời cấp phát cho các Sở Giao thông Vận tải, tránh tình trạng như thời gian vừa qua do đăng ký gấp nên nhà in không kịp phát hành, ảnh hưởng đến thời gian cấp phù hiệu cho phương tiện và ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước tại các Sở Giao thông Vận tải.Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chỉ đạo các chi hội địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các đối tượng có liên quan để kịp thời triển khai thực hiện Nghị định số 86/2014/NĐ-CP./.
Điều 24 Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe (đối với loại xe có quy định phải gắn thiết bị) hoặc gắn thiết bị nhưng thiết bị không hoạt động theo quy định.Điều 24 quy định, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm điều khiển xe không có phù hiệu hoặc có nhưng đã hết hạn đối với loại xe quy định phải có phù hiệu.Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe hai tháng.