Chiều 27/06/2021, hội thảo “Dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài” do trường tiếng Việt Lạc Long Quân, Hội người Việt Nam tại Ba Lan tổ chức diễn ra dưới hình thức trực tuyến với sự tham dự của hơn 100 đại biểu từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là lần đầu tiên có một hội thảo trực tuyến về giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài có quy mô lớn như vậy.
Phát biểu đề dẫn tại điểm cầu chính tại Warsaw, Ba Lan, ông Lê Xuân Lâm, Chủ tịch hội đồng trường Lạc Long Quân, Trưởng ban tổ chức hội thảo cho biết: “Hội thảo tập trung vào các vấn đề: nội dung và chương trình dạy tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài; kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt (hình thức trực tuyến và không trực tuyến); áp dụng công nghệ trong việc giảng dạy tiếng Việt; chia sẻ thông tin về tình hình dạy và học tiếng Việt ở một số nước và vùng lãnh thổ".
Tại hội thảo, ông Đinh Hoàng Linh, Quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao cho biết, trong những năm qua, Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã hỗ trợ hoạt động dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở các nước dưới nhiều hình thức như: hỗ trợ xây dựng trường, lớp; cung cấp sách giáo khoa, tài liệu. Các hoạt động nêu trên đã đáp ứng phần nào nguyện vọng của kiều bào ta ở khắp năm châu mong muốn có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tăng cường việc dạy và học tiếng Việt.
Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều khó khăn và thách thức trong công tác này, trong đó rất cần tới sự nỗ lực chia sẻ kinh nghiệm từ đội ngũ các giảng viên tiếng Việt tại các nước. Bởi vậy, chủ đề “Dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài” thể hiện quyết tâm của Hội người Việt Nam tại Ba Lan và trường tiếng Việt Lạc Long Quân mong muốn thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài", ông Đinh Hoàng Linh khẳng định.
Hội thảo cũng là dịp để cộng đồng giáo viên, giảng viên tiếng Việt tại các nước và vùng lãnh thổ được giao lưu trực tuyến với các lãnh đạo và thành viên Hội người Việt Nam tại Ba Lan, tại CH Séc, cũng như trường tiếng Việt Lạc Long Quân ở Ba Lan, các học giả và nhà ngôn ngữ trong và ngoài nước. Đặc biệt là các thầy giáo, cô giáo đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng trọng công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao, thông qua công tác biên soạn các giáo trình dạy và học tiếng Việt cho bà con kiều bào, hay trực tiếp tham gia giảng dạy tiếng Việt cho bà con kiều bào, hoặc các khóa tập huấn về phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho các giáo viên kiều bào do Ủy ban phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Khẳng định các yếu tố quan trọng từ cộng đồng, gia đình, học viên đến đội ngũ giáo viên trong các lớp học tiếng Việt ở nước ngoài, cô Nguyễn Lan Anh, Trung tâm tiếng Việt Budapest, Hungary cho biết: Trung tâm hoạt động với mục đich nâng cao nhận thức của các gia đình về vai trò của tiếng Việt trong giáo dục thế hệ trẻ. Sự hiện diện của Trung tâm tiếng Việt thể hiện hoạt động rất sát sao của cộng đồng ở đây.
Giảng viên Đại học Đài Loan Nguyễn Thị Liên Hương thông tin: việc giảng dạy tiếng Việt hiện nay rất được quan tâm và rất phát triển ở Đài Loan (Trung Quốc), đã vào trong chính sách của chính quyền, chính vì vậy, việc đào tạo đội ngũ giáo viên dạy tiếng Việt càng trở nên cần thiết.
Các đại biểu từ Hàn Quốc, Thái Lan, Ba Lan, Ukraine, Nga, Australia, Mỹ... cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm khác nhau về giảng dạy tiếng Việt cho các lứa tuổi, mô hình dạy tiếng Việt tại lớp và trực tuyến hiệu quả, cách ứng dụng công nghệ mới vào giảng dạy, những khó khăn phải đối diện trong thực tế và hướng khắc phục.
Với hơn 40 tham luận, ý kiến trao đổi kinh nghiệm thiết thực và hiệu quả, cũng như những tìm kiếm, hứa hẹn liên kết phát triển tiếp sau, lâu dài cho việc dạy và học tiếng Việt, hội thảo “Dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài” đã tạo tiền đề kết nối mạng lưới các chuyên gia giảng dạy tiếng Việt ở trong và ngoài nước, để có thể hỗ trợ nhau giữ gìn và truyền bá tiếng Việt nơi đất khách./.