Háo hức đón Trung thu sau 2 năm COVID-19

Năm nay, Lễ hội Thành Tuyên với chủ đề "Lung linh sắc màu đêm hội Thành Tuyên" sẽ chính thức được khai mạc tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Tuyên Quang) vào 20h00 ngày 4/9, với sự tham gia diễn diễu của gần 100 mô hình trung thu độc đáo, rực rỡ sắc màu được tuyển chọn qua các cuộc thi ở các huyện, thành phố…

Mặc dù chưa chính thức bước vào Đêm hội, nhưng từ hơn 1 tháng nay, không khí Trung thu đã ngập tràn trên các tuyến phố. Cả con phố lấp lánh ánh đèn từ những mô hình khổng lồ mô phỏng sinh động những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, thể hiện những nhân vật, sự kiện văn hóa, lịch sử, câu chuyện dân gian, cổ tích, truyền thuyết, ngụ ngôn… lung linh, rực rỡ sắc màu. Trẻ em háo hức, thích thú khi được ngồi trên xe mô hình rước đèn khắp các con phố. Nhìn thấy ánh mắt hân hoan của con trẻ, người lớn cũng hạnh phúc khi được trở về miền ký ức tuổi thơ trong những đêm trăng rằm sáng tỏ.

Có lẽ sau một thời gian dài dịch bệnh Covid-19, một lễ hội Trung thu sôi nổi, rực rỡ sắc màu, lung linh ánh sáng quay trở lại là niềm mong mỏi của mọi người dân xứ Tuyên.

Ông Nguyễn Văn Hoà, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19, toàn thể người dân trong tỉnh đều rất hào hứng, phấn khởi. Năm nay, thời gian bắt đầu lễ hội sớm hơn mọi năm. Đường phố được trang hoàng từ sớm. Ngay từ đêm Rằm tháng 7 đến nay, hôm nào các tuyến phố cũng chật kín người tham gia rước đèn”.

Ông Hoà cho biết từ tháng 5,6 âm lịch, các tổ dân phố đã tất bật chuẩn bị cho ngày hội trăng rằm với những mô hình có hình dáng, kích cỡ, thần thái sống động, hấp dẫn. Về số lượng mô hình đèn Trung thu, năm nay ước tính con số lên tới hơn 90 mô hình.

“Đó mới chỉ là tính trong khu vực trung tâm thành phố, chưa tính các xã trong tỉnh. Các mô hình được đầu tư mới, quy mô, hoành tráng hơn rất nhiều. Năm nay, các mô hình chọn dự thi cấp thành phố thì đều trải qua thi cấp phường, xã. Một số xã, phường ít hơn thì thi theo cụm. Các phường trung tâm như Phan Thiết, Tân Quang đông thì thi riêng. Các mô hình được giải cấp phường đi thi cấp thành phố. Sau khi thi thành phố, chúng tôi sẽ chọn 50 mô hình đẹp nhất diễu hành ở khai mạc Lễ hội Thành Tuyên”, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chia sẻ.

Từ ý tưởng và tình yêu đối với con trẻ, người dân Tuyên Quang nhiều năm qua đã tạo nên những mô hình đèn sinh động, ấn tượng và ý nghĩa. Mỗi mô hình đều gửi gắm trong đó tình yêu thương của cha mẹ, ông bà cùng những câu chuyện hay, bài học ý nghĩa của cuộc sống

Những mô hình từ vài chục đến trăm triệu đồng

Bà Nguyễn Thị Tuyên, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ 6, phường Tân Quang cho biết, từ tháng 5 âm lịch người dân trong tổ cùng nhau lên ý tưởng để làm đèn Trung thu. Năm nay, tổ đã lựa chọn làm mô hình với chủ đề “Cá chép vượt vũ môn hóa rồng”. Đây là biểu tượng của sự may mắn, can đảm, quyết tâm vượt mọi khó khăn, thử thách”.

Các mô hình với đủ màu sắc, kích cỡ đã cho thấy đêm hội không chỉ còn là sân chơi dành cho thiếu nhi mà còn là một cuộc đua tài của những “nghệ nhân” không chuyên ở các tổ dân phố.

Mô hình “Cá chép vượt vũ môn hoá rồng” có chiều dài 9 m, chiều cao 4,5 m, thiết kế theo phong cách “động”. Khi diễu hành trên đường, mô hình sẽ tự quẫy đuôi, lắc mình, miệng nhả bong bóng thông qua hệ thống truyền chuyển động do người dân trong tổ tự thiết kế, sáng tạo.

“Tổ 6 có đội ngũ tập thể người dân rất đam mê mà chúng tôi hay nói vui là những nghệ nhân đường phố, có tay nghề, kinh nghiệm làm mô hình đèn Trung thu. Ai cũng phấn khởi với việc được tự tay chuẩn bị cho ngày Trung thu của các cháu thiếu nhi. Chúng tôi chia ra từng nhóm nhỏ với những phần việc cụ thể như lên ý tưởng thiết kế, lắp đặt máy móc, cơ khí, tạo hình nghệ thuật, thiết kế và lắp đặt hệ thống đèn điện chiếu sáng... Trong quá trình làm mọi người cùng nhau chỉnh sửa, góp ý để mô hình hoàn thiện, vừa đẹp về hình thức lại đảm bảo an toàn cho trẻ em vui chơi”, bà Tuyên chia sẻ.

Tổ dân phố 15, phường Phan Thiết mang đến mô hình “Đám cưới chuột” vô cùng độc đáo. Ông Nguyễn Hữu Long, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố 15 phường Phan Thiết cho biết tổ lựa chọn mô hình này phỏng theo tranh dân gian Đông Hồ, góp phần tô điểm thêm những gam màu sặc sỡ cho lễ hội.

“12 chú chuột với 12 sắc thái khác nhau, không trùng nhau về biểu trưng hay dáng đứng. Chúng tôi đã trang trí làm sao cho mô hình vào buổi tối sáng đẹp với toàn bộ hệ thống điện lắp trong mô hình. Mô hình đã sớm được hoàn thành và tham gia diễu rước rất nhiều buổi trên đường phố. Các cháu thiếu nhi và người dân rất thích thú với mô hình này”, ông Long nói.

Ông Long chia sẻ thêm tổ 15, phường Phan Thiết đã thành lập ban Trung thu của tổ, huy động những người có đôi bàn tay khéo léo, có thế mạnh về từng mặt để hoàn thiện như thợ sửa máy, hàn xì phụ trách phần khung và thân của mô hình; thợ điện phụ trách phần ánh sáng, trang trí mô hình… Mỗi người một việc, tất cả đều nỗ lực, đoàn kết để tạo nên mô hình “Đám cưới chuột” đẹp nhất. Ông hy vọng mô hình đạt giải cao trong mùa lễ hội năm nay.

Về chi phí thực hiện “Đám cưới chuột”, ông Long cho biết, sau hơn 2 năm dịch bệnh, các khung mô hình đèn hầu hết đã xuống cấp, rỉ sét, hệ thống máy móc nhiều thứ đã hỏng, giá cả các vật liệu lại gia tăng khiến việc làm mô hình trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, mô hình đã được hoàn thành nhờ sự quyết tâm, đồng lòng của người dân trong tổ dân phố với mong muốn mang đến một mùa Trung thu đáng nhớ cho con trẻ, đồng thời quảng bá hình ảnh Lễ hội Thành Tuyên của quê hương đến với du khách thập phương.

Ông cho biết, chi phí thực hiện đều do người dân trong tổ tự nguyện đóng góp. Có gia đình đóng góp 2-7 triệu đồng, có gia đình đảm bảo xăng dầu cho cả quá trình xe tham gia lễ hội đường phố. Ai cũng vui vẻ góp sức, góp của với mong muốn mang đến niềm vui cho các con, các cháu trong dịp Trung thu này.

“Thường các mô hình sẽ có tổng chi phí 40 – 80 triệu đồng, những mô hình lớn như “Đám cưới chuột” rơi vào khoảng 150 triệu đồng. Mỗi buổi tối đi rước diễu sẽ mất khoảng 500.000 tiền xăng dầu. Hàng ngày sau khi diễu rước về, chúng tôi đều chỉnh trang, đảm bảo chất lượng mô hình cho ngày hôm sau”, ông Long chia sẻ.

Còn với mô hình “Cá chép vượt vũ môn hoá rồng”, bà Tuyên cho biết người dân tổ 6 đã chung tay đóng góp mỗi hộ 200.000 đồng, 110 hộ tổng là 22 triệu đồng. Tổ cũng thống nhất trích quỹ thưởng từ năm trước 12 triệu, đóng góp khoảng 55 triệu cống hiến cho lễ hội năm nay. “Chính điều này đã thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư. Mỗi người dân tự sáng tạo, cống hiến, toả sáng và cảm thấy tự hào khi được là một phần của lễ hội”.

Lễ hội của nhân dân

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh Lễ hội Thành Tuyên có tính xã hội rất lớn. UBND tỉnh chỉ ra định hướng năm nay tổ chức Lễ hội, còn lại toàn bộ hoạt động làm mô hình, diễn diễu đều do bàn tay của người trong tổ dân phố làm hết.

“Lễ hội được tổ chức hoàn toàn vì các cháu thiếu nhi. Tầm 7 giờ tối là các cháu hào hứng trèo lên xe mô hình đi khắp phố. Sự tham gia Lễ hội của người dân, của các cháu thiếu nhi thể hiện sự đoàn kết cộng đồng”, ông Hòa nói.

Chính tinh thần đoàn kết, đồng lòng cùng mong muốn đem đến một mùa Trung thu đầm ấm cho thiếu nhi đã góp phần tạo nên Lễ hội Thành Tuyên độc đáo, có sức hút trong nhiều năm qua.

Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức lần đầu năm 2004 và nâng lên quy mô cấp tỉnh năm 2014 và từ đó đã trở thành sự kiện văn hoá đặc sắc của tỉnh Tuyên Quang. Lễ hội Thành Tuyên đã được sách Kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận là lễ hội có nhiều mô hình đèn trung thu độc đáo, lớn nhất Việt Nam. Trải qua nhiều năm, Lễ hội Thành Tuyên không chỉ là hoạt động văn hóa giàu ý nghĩa mà còn trở thành một sản phẩm du lịch nổi tiếng, đặc sắc của Tuyên Quang, thu hút hàng vạn du khách trong nước và quốc tế mỗi năm.

Ông Nguyễn Văn Hoà chia sẻ: “Tuyên Quang có khu di tích Tân Trào, Khu Bảo Tồn Thiên Nhiên Na Hang, nhưng nhờ Lễ hội Thành Tuyên mà du khách biết đến Tuyên Quang nhiều hơn, đem lại nguồn thu phát triển du lịch tỉnh. Năm nay, chúng tôi dự kiến đón 500.000 đến 1 triệu lượt khách trong dịp nghỉ lễ lần này”.

Lễ hội Thành Tuyên năm 2022 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 4/9, trong đó bao gồm chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc, đặc biệt phải kể đến Lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái" vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (3/9), Đêm hội Thành Tuyên (4/9), lễ hội bia (2-4/9) và đêm chung kết Cuộc thi Người đẹp xứ Tuyên (10/9)./.