Trại hè Việt Nam 2013 tiếp tục có những hoạt động bổ ích và đầy ý nghĩa trên quê hương Hà Giang. Chiều 14/7, đoàn đại biểu thanh niên, sinh viên kiều bào tới thăm đồn biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.

Đoàn đã nghe nói chuyện một số nội dung khái quát liên quan đến quá trình hình thành đường biên giới và quá trình phân giới cắm mốc trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung và đặc biệt là khu vực biên giới của tỉnh Hà Giang, Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Trên cơ sở công ước hoạch định biên giới ngày 26/6/1887 và công ước bổ sung ngày 20/6/1895 ký kết giữa Pháp và nhà Thanh, Trung Quốc, cùng các văn bản pháp lý xác định đường biên giới Việt Nam và Trung Quốc, đường biên giới được cụ thể hóa bằng 314 mốc quốc giới từ ngã ba biên giới Việt Nam- Trung Quốc và Lào đến Móng Cái, Quảng Ninh.

a1.jpg
Đoàn Thanh niên kiều bào thăm cửa khẩu Thanh Thủy, Hà Giang

Cùng với thời gian, nhiều mốc đã bị hư hỏng, thậm chí bị mất, một số mốc bị xê dịch. Để xây dựng một đường biên giới hòa bình hữu nghị và ổn định lâu dài, hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc năm 1999 là cơ sở pháp lý của công tác phân giới cắm mốc trên đất liền thay thế cho công ước Pháp – Thanh. Hiệp ước 1999 ghi nhận toàn bộ hướng đi của đường biên giới. Đến 31/12/2008, hai bên hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam và Trung Quốc dài khoảng 1400 km, với 1970 cột mốc.

Trợ lý công tác biên giới Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang, Đinh Xuân Thực cho biết: Ngày 26/7/2002, tại cửa khẩu Thanh Thủy, Hà Giang, Việt Nam và Thiên Bảo, Vân Nam, Trung Quốc, hai nước đã đặt mốc quốc giới mang số hiệu 261. Đây là bước đi quan trọng mở đầu việc triển khai công tác phân giới cắm mốc trên thực địa: Cột mốc 261 là cột mốc đôi cùng số. 261 (1) là ở bên lãnh thổ Trung Quốc, 261(2) là ở bên lãnh thổ Việt Nam. Cột mốc 261 là cột mốc đại, hay cột mốc lớn. Trên cột mốc có quốc huy bằng đồng gắn trên mặt mốc.

Riêng tuyến biên giới tỉnh Hà  Giang bắt đầu là mốc 172 đến mốc 519 (2) với chiều dài biên giới tỉnh Hà Giang là khoảng 277 km với 442 cột mốc.

Sau khi nghe nói chuyện, đoàn đi thăm cửa khẩu Thanh Thủy và thăm cột mốc 261 (2). Chạm tay lên cột mốc 261 (2) bằng đá hoa cương, bạn Trần Hoài Ngân, Moscow, Liên bang Nga bộc bạch: Em từng nghe trên internet, nhưng khi đến Việt Nam, em thấy những gì viết trên mạng internet có thể chưa phản ánh chính xác hoàn toàn những gì đang diễn ra tại Việt Nam. Em thấy công tác quản lý biên giới ở Việt Nam mình khá là tốt. Không giống như thông tin trên mạng nói rằng chúng ta đã mất một phần chủ quyền hay những điều tương tự như vậy. Em thấy chúng ta đang bảo vệ rất tốt chủ quyền của mình, góp phần làm cho em hiểu thêm những thông tin chính xác của nước ta cũng như tăng thêm tình yêu của em đối với quê hương, đất nước.  

Tối cùng ngày, đoàn thanh niên, sinh viên kiều bào tham gia chương trình giao lưu văn nghệ với tuổi trẻ Hà Giang tại quảng trường 26/3, thành phố Hà Giang./.

Ông Đinh Xuân Thực giải thích cho bà con kiều bào về công tác cắm mốc biên giới
Chụp hình kỷ niệm cùng chiến sĩ biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy
Thanh niên kiều bào thăm cửa khẩu Thanh Thủy
Bạn Trần Hoàng Ngân, Việt kiều ở LB Nga, bên cột mốc 261 (2)