Với những người bạn Lào luôn coi Việt Nam là quê hương thứ hai, ký ức với bánh chưng, dưa hành, mứt Tết… và tình cảm thân thương với các bà, các mẹ, các chị, những bạn bè Việt Nam luôn là ký ức thân thương đi theo suốt cuộc đời họ.

Ông Xayxavath Singnamvonge, nguyên Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ Thông tin Văn hóa và Du lịch Lào xúc động nhớ về quãng thời gian gần 12 năm sinh sống và học tập tại Việt Nam.

xayxavath_singnamvonge_vov_qhtt.jpg
Ông Xayxavath Singnamvonge, nguyên Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ Thông tin Văn hóa và Du lịch Lào. Ảnh: Mỹ Bình/VOV-Vientiane. 

Ông rưng rưng nhớ tới tình cảm của người dân Bắc Giang nơi sơ tán đối với các học sinh người Lào, mặc dù cơm còn phải độn sắn, cuộc sống vô cùng khó khăn nhưng luôn dành cho các học sinh Lào nhưng bữa cơm đầy đủ.

Ông kể: “Đêm giao thừa năm 1962 chúng tôi được dự buổi liên hoan cuối năm do nhà trường tổ chức ở một địa điểm khác và sau đó cùng đi bộ về nhà. Hôm sau khi cùng dự bữa cơm đầu năm với chủ nhà, chủ nhà hồ hởi nói: Các cháu chính là người xông nhà cho chúng tôi đấy. Những tình cảm của các cháu dành cho chúng tôi sẽ mang lại niềm vui, điều may mắn cho gia đình chúng tôi. Đó là cái tết đầu tiên chúng tôi đón tết với các bạn Việt Nam”.

Ông Xayxavath Singnamvonge nhớ rất rõ, ở Việt Nam chỉ đến Tết mới được ăn bánh chưng. Điều này rất đặc biệt. Các món ăn khác như thịt đông, chè lam, mứt, cũng vậy.

Ông nhớ những món ăn đó “ngon lắm”. Với ông, “đó là những món ăn chỉ có trong ngày Tết, nó ấn tượng với tôi từ ngày còn tất trẻ, đây cũng là văn hóa, là đặc trưng của dân tộc Việt. Hương vị của những món ăn này đã theo tôi đi suốt cuộc đời.”

Ông Duangmixay Likaya, một nhạc sỹ Lào nổi tiếng với bản giao hưởng Hồng Hà Cửu Long viết về tình cảm gắn bó giữa hai dân tộc Việt Lào. 
Ảnh: Mỹ Bình/VOV-Vientiane.

Ông Duangmixay Likaya, một nhạc sỹ Lào nổi tiếng với bản giao hưởng Hồng Hà Cửu Long viết về tình cảm gắn bó giữa hai dân tộc Việt Lào là vào năm lên  6 tuổi, cho biết, quê ông ở Sầm Nưa tỉnh Huaphane giáp với Nghệ An và Thanh Hóa của Việt Nam. Nhà ông ở gần nơi rừng núi rậm rạp rất thuận lợi cho bộ đội tình nguyện Việt Nam và bộ độ Pathet Lào hoạt động trong thời kỳ chiến tranh. Khi 6 tuổi, ông được đi theo bố, một người dân yêu nước tiếp tế cho bộ đội, đúng vào lúc Tết Việt.

Chia sẻ về cái Tết Việt đầu tiên, ông Duangmixay Likaya cho biết: “Tại Sầm nưa vào cuối năm 1965, đầu năm 1966 các chú bộ đội lúc đó ăn tết chả có gì, nghe bố kể lại Tết chẳng có bánh chưng vì đưa bánh vào chiến trường lúc đó rất khó khăn, chỉ có nước chè và bánh kẹo, các chú bộ đội tình nguyện Việt Nam đã gọi tôi vào và nói hôm nay là ngày Tết Việt và mời chúng tôi vào đón Tết tại chiến hào, đó là cái Tết Việt đầu tiên tôi được dự. Tôi lúc đó chỉ là đứa trẻ được các chú bộ đội yêu quý lắm, tôi không bao giờ có thể quên.”

Nhạc sỹ Duangmixay sống và học tập tại Việt Nam từ năm 1959 đến  năm1969. Ông nhớ lại: “Năm 1966 chúng tôi đi sơ tán về Bắc Giang ở cùng với nhà chủ tên là Chị Trung, chị yêu chúng tôi như con, nấu ăn cho chúng tôi, đến ngày tết chúng tôi được ăn bánh chưng và các loại bánh dân tộc do chính tay chị làm. Đặc biệt ấn tượng đối với tôi  là được nghe thơ chúc tết của Bác Hồ vào mỗi dịp Tết.”

Còn ông Sao lo Tông xênh, dân tộc Mông, phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Vientiane thì lại say sưa kể về quãng thời gian 6 năm học ở tập ở  Việt Nam mà Tết năm nào cũng được mời xông nhà.

Ông Sao lo Tông xênh cũng gia đình đón Tết. 
Ảnh: Mỹ Bình/VOV-Vientiane.
Ông nói: “Bố mẹ nuôi ở gần trường Nguyễn Ái Quốc nơi tôi theo học thường để tôi xông nhà và mỗi dịp năm mới. Đây là một ngày lễ lớn trong năm. Bố mẹ nuôi rất  yêu quý tôi cũng như những người bạn của tôi và thường nói với chúng tôi. Tình cảm, tình yêu thương giữa những người bạn Việt Nam và Lào luôn mang lại những điều may mắn cho chúng ta, nhất là trong dịp Tết đến Xuân về. Giờ đây mỗi khi  tôi ăn tết tại quê nhà tôi  rất nhớ những cái tết Việt Nam với tình cảm thân thiết với bố mẹ, bạn bè tôi ở Việt Nam.”

Với chị Khamkhong, cán bộ Trung ương Đoàn thanh niên Nhân dân Cách mạng Lào, Tết Việt có một dấu ấn đặc biệt.

Năm 2008, chị và các cán bộ Đoàn từ các bộ ngành và các tỉnh của Lào sang Việt Nam tập huấn công tác Đoàn trong thời gian 3 tháng tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.

Khóa tập huấn năm đó diễn ra đúng dịp Tết cổ truyền của Việt Nam, chỉ còn lại một số  ít thầy cô giáo và học sinh của Học viện ở lại trường. Chị đã cùng các thầy cô và bạn bè đón một cái Tết vô cùng đầm ấm.

Tại đây chị đã gặp một người bạn trai Lào cũng đang học tập tại Học viện và sau này họ đã nên duyên vợ chồng. Chị hạnh phúc chia sẻ: “Tết Việt là bước ngoặt trong cuộc đời của chúng tôi, không bao giờ tôi quên những khoảnh khắc ấn tượng được đón Tết với thầy cô giáo và các bạn Việt Nam với những tình cảm thân thiết như trong một gia đình. Hạnh phúc của chúng tôi gắn bó với kỷ niệm Tết Việt mà chúng tôi sẽ không thể nào quên trong suốt cuộc đời của mình”./.