Cùng với quê hương đất nước, bà con Việt kiều khắp nước Lào tưng bừng nhộn nhịp sắm lễ cúng đưa ông Công ông Táo về trời theo phong tục Việt Nam.

Hôm nay, 23 tháng Chạp, bà Lê Thị Lung, Việt kiều bản Sykhay- Thủ đô Vientiane lại  đi chợ sắm vật lễ về cúng tết ông Công, ông Táo theo phong tục tập quán quê hương.

ong%20tao%20lao%201%20copy.jpg

Theo chồng về xứ Lào đã hơn 60 năm, nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến ngày này, bà vẫn không quên làm lễ rồi cùng cả nhà quây quần tưởng nhớ tổ tiên, kể chuyện quê hương Việt Nam, cùng cầu mong mọi ưu phiền nghèo túng qua đi, ước vọng một năm mới đến dồi dào sức khỏe, hạnh phúc an lành.

Bà Lê Thị Lung – Bản Sy khay- Vientiane cho biết: “Tôi là người Việt, ông tôi người Lào, nhưng đến ngày phải nhớ bố mẹ quen làm đó là ra chợ mua hoa, mua trái cây về thắp nhang trong gia đình”.

Bên cạnh các mặt hàng phục vụ nhu cầu gói bánh chưng tết Việt, các loại hàng hóa cho ngày tết ông Công ông Táo theo phong tục Việt Nam cũng được bày bán khắp mọi nẻo thủ đô Vientiane. Các loại hoa tươi đều có xuất xứ từ Đà Lạt, Hà Nội.

Phố Dongpalane, một trong những khu phố đông người Việt sinh sống, càng nổi bật không khí tết Việt nơi xứ Lào. Theo Tổng hội người Việt Nam tại Lào thì hiện nay, cả nước Lào có hơn 30.000 người gốc Việt được nhập Quốc tịch Lào, tuy vậy tất cả bà con vẫn luôn giữ gìn phong tục tập quán cha ông. Cứ đến những ngày lễ tết theo phong tục Việt Nam, thì mỗi người mỗi nhà lại tự giác thể hiện bổn phận của mình trong mỗi ngôi nhà của mình.

Chị Hồ Nguyệt Ly- Bản Dongpalan- Vientiane, nói: “Cũng làm một mâm cơm, cũng mua tiền vàng giấy cúng ông Công ông Táo, cũng đốt như ở quê mình.”
Chúng ta sẽ khó nhận ra một góc phố Lào bởi những gì được bày bán hôm nay. Không khác gì ở Việt Nam, các mặt hàng mã cho tết ông Công ông Táo và cúng tổ tiên với đủ loại áo mũ, tiền, vàng mã, lại thêm nhà lầu xe hơi đời mới. Nghĩa là các mặt hàng đều đáp ứng được mỗi thị hiếu, mỗi nhu cầu tâm linh của mỗi con người mỗi gia đình đối với tổ tiên, thần thánh, theo truyền thống.

Với không khí rộn rịp tết ông Công ông Táo như thế này, đến đây ta ngỡ như đang ở nơi quê nhà.

Anh Nguyễn Xuân Đức – Bản Dongpalan, Vientiane, bày tỏ: “Ngày 23 thì cúng ông Táo, đó là mâm cơm có ít thịt 3 chỉ luộc với lại xôi chè và mua vàng mã về cúng.

Như vậy bên cạnh việc sắm tết, tổ chức một cái tết ấm cúng, đủ đầy, các mặt hàng phục vụ tết cho cộng đồng người Việt cũng là dịp tạo thu nhập cao cho các gia đình tiểu thương người Lào. Cùng với vui tết Việt còn là cơ hội để du khách quốc tế nhận ra một đất nước Lào tươi đẹp nhiều bản sắc, bình đẳng và tự do tín ngưỡng.

Tết ông Công ông Táo theo phong tục Việt Nam của cộng đồng người Việt ở xứ Lào còn thể hiện nét bản sắc của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào mà trên thế giới khó có thể tìm thấy một mối quan hệ nào đặc biệt như vậy./.