Chịu khó học hỏi, chăm chỉ làm ăn, kiên trì vượt khó, nhiều bà con dân tộc thiểu số ở Đắk Nông đã vươn lên làm giàu, có thu nhập hàng trăm, hàng tỷ đồng mỗi năm. Những tấm gương sản xuất giỏi này cũng chính là những hạt nhân đang giúp đỡ bà con buôn làng cùng phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo.
Mới ngoài 30 tuổi, anh K'Biển đã được bà con dân tộc Mạ tín nhiệm bầu làm Trưởng bon Bu Sốp, xã Đắc Nia, Thị xã Gia Nghĩa. Đó là vì anh biết thâm canh cà phê cho năng suất cao, và luôn nhiệt tình bày cách cho bà con làm theo. Anh K'Biển cho biết, ban đầu vợ chồng mới ra ở riêng, vốn ít, lại thiếu lao động, nên anh cứ trồng dần mỗi năm 300 cây cà phê, vừa làm vừa học hỏi áp dụng khoa học kỹ thuật.
Nhờ canh tác đúng quy trình, cà phê của gia đình luôn cho năng suất hơn 4 tấn 1 ha, cao gấp đôi so với bình quân chung ở xã. Đến nay, với 2 ha cà phê, năm nào anh cũng thu được gần 10 tấn cà phê nhân. Anh K'Biển nhắn nhủ bà con: “Mình làm diện tích vừa với điều kiện gia đình để chăm sóc tốt thì mới chắc ăn, chứ làm không đúng thì phí công, phí của”.
Cũng là người đi đầu trong việc phát triển kinh tế, ông K'Sớ, Trưởng bon B'Dâng, xã Quảng Khê, huyện vùng sâu Đắc Glong, chọn cách chăn nuôi kết hợp thâm canh cà phê. Trong 3 ha rừng trồng, ông thả nuôi đàn bò gần 20 con. Chỉ riêng nguồn phân bò đã giúp ông tiết kiệm một nửa chi phí chăm bón cà phê, mà năng suất cây trồng không ngừng tăng lên. Năm nay, ông nuôi thêm 3 con bò giống ngoại để lai cải tạo đàn bò, cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Còn 3 ha cà phê dự tính cho thu trên 12 tấn nhân.
Ông K'Sớ chia sẻ kinh nghiệm: “Gia đình phải lo nuôi bò và đổi bò cỏ lấy bò zê-bu, để sau này phát triển cải tạo đàn bò. Hiệu quả rất là tốt bởi mình vừa có thu nhập từ đàn bò, vừa là giảm chi phí tiền phân bón cà phê. Mình không dùng phân chuồng thì mai mốt năng suất cà phê sẽ giảm; bây giờ dùng một nửa phân chuồng, một nửa phân hóa học là năng suất chỉ có tăng thôi”.
Học theo ông, nhiều gia đình trong bon như K'Yung, K'Siêng, K'Tinh… cũng phát triển trồng rừng kết hợp nuôi bò, thâm canh cà phê, cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Còn ở vùng biên giới huyện Tuy Đức, người Mơ-nông ở xã Đắk RTích đang nêu gương ông Điểu Lộc, phát triển cây cao su để vươn lên làm giàu. 12 năm trước, ông Điểu Lộc là người đầu tiên ở xã đã mạnh dạn vay vốn của Nhà nước để trồng 2 ha cao su. Kiên trì theo học các lớp tập huấn khuyến nông, và thấy được hiệu quả kinh tế lâu dài, mỗi năm ông lại trồng thêm vài ha nữa.
Đến nay, gia đình ông đã có 20 ha cây công nghiệp, chủ yếu là cao su. Hiện mỗi ngày, gia đình có nguồn thu khoảng 3 triệu đồng từ khai thác mủ. Trong diện tích cao su mới trồng, ông trồng xen khoai lang Nhật Bản, mỗi năm cũng thu được chừng 100 triệu đồng. Nhẩm tính thu nhập một năm hơn 1 tỷ đồng.
Ông Điểu Lộc tâm sự: “Mình phải học hỏi kiên trì lắm, cũng nhờ các lớp tập huấn khuyến nông về làm cà phê, cao su, chăn nuôi… nên từ đó mới làm được. Muốn chia sẻ với bà con để làm kinh tế giỏi, mình phải kêu từng gia đình đi học tập tham khảo, đi coi lại vườn rẫy, từ đó bà con thấy mà làm theo. Giờ này bà con ở thôn 4 nhà nào cũng có cao su, làm được nhà cửa, có thu nhập cũng cao rồi”.
Theo ông Lê Văn Dương, Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Đắk Nông, hiện toàn tỉnh có gần 20.000 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có không ít bà con người dân tộc thiểu số. Những chính sách của Đảng, Nhà nước như hỗ trợ vốn ưu đãi, tập huấn khoa học kỹ thuật… luôn triển khai sâu rộng đến cộng đồng, tạo động lực góp phần giúp bà con vươn lên làm giàu. Và chính những nông dân sản xuất giỏi lại trở thành hạt nhân trong phong trào thi đua phát triển kinh tế ở địa phương.
Ông Lê Văn Dương cho biết: “Phong trào sản xuất giỏi có sức thu hút, sức lan tỏa rất lớn. Những hộ làm ăn giỏi, sản xuất giỏi có thể dành ra một số vốn, hoặc là ngày công lao động, hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất bằng hình thức cầm tay chỉ việc cho nông dân, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số. Từ đó ldần dần khắc phục được tâm lý tự ti của bà con, rồi hướng dẫn cho họ biết cách làm ăn, tạo điều kiện cho họ có vốn, mặt khoa học kỹ thuật, từng bước bà con học theo những tấm gương sản xuất giỏi”./.