Một ngày giáp Tết Ất Mùi, qua mạng xã hội, PV nhận được tin nhắn chúc Tết của chị Đặng Thị Phương Lan, quê quán ở thôn Hà Xá, xã Đỗ Sơn, Thanh Ba – Phú Thọ, hiện đang làm lao động giúp việc gia đình tại thành phố Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc). Chị ngậm ngùi cho biết: “Tết này chị lại ăn Tết xa nhà em ạ. 12 năm xa chồng con sang Đài Loan giúp việc gia đình, thì 11 năm chị đón Tết xa quê…”.
Chị Phương Lan kể, những ngày giáp Tết, khắp các cửa ngõ tới sân bay Đài Bắc, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh người Việt Nam náo nức hồi hương ăn Tết. Những lúc như thế này, những phụ nữ xa quê đằng đẵng ngần ấy năm như chị lại xúc động, mong muốn được trở về bên gia đình, được xắn tay nấu bữa cơm tất niên để bố bẹ, chồng con, anh em sum vầy ấm cúng bên nhau ngày cuối năm.
Ngôi nhà khang trang ở quê được xây dựng bằng số tiền chị Lan chắt chiu từ chuỗi ngày đi xuất khẩu lao động. Chị về nhà chồng đã 20 năm. Ngày đó vợ chồng chị chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng, bố mẹ chồng mất sớm, hai bên nội ngoại đều nghèo. Rồi hai đứa con một gái một trai lần lượt ra đời. Anh chị suốt ngày chỉ biết cày bừa, rồi lặn lội đóng gạch, anh đi xây, chị đi chở đất thuê. Hình ảnh chị địu đứa con lớn đằng sau, đi trước là con trâu với xe đất có lẽ chẳng bao giờ quên trong quãng đời lam lũ của chị Lan.
Không cam chịu cảnh nghèo khó, chị quyết định đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan, còn anh cũng đồng ý hy sinh tình cảm vợ chồng, ở nhà nuôi con, chăm sóc cha mẹ vợ già yếu để chị yên tâm sang xứ người kiếm tiền. Sang Đài Loan, chị nhận giúp việc cho một cụ bà. Vốn tính chăm chỉ, thật thà, chịu thương chịu khó, chị được bà cụ yêu thương như con đẻ. Vậy là đã hơn 10 năm, chị Phương Lan đều chưa biết đến cái Tết ở nhà, không một đêm giao thừa quây quần bên gia đình thân thuộc. Dẫu biết rằng vắng bóng người phụ nữ trong nhà ngày Tết là thiệt thòi, nhưng lâu rồi cũng thành quen, chồng và con chị luôn động viên để chị vui vẻ ở lại nơi đất khách lo Tết cho gia đình nhà chủ, để đổi lại cái Tết tươm tất nơi quê nhà.
Biết chị Lan “nhớ Tết” nên chồng chị đã gửi sang Đài Loan lá dong, lạt giang, gạo nếp, đậu xanh… để chị gói bánh chưng. Chị Phương Lan chia sẻ: “Lên mạng, xem TV thấy bà con ở Việt Nam mổ lợn, gói bánh chưng, đi chợ hoa, mua kẹo bánh, trẻ em chạy tung tăng mà nhớ nhà da diết. Nhìn thấy vậy, chị lại muốn khóc nhưng phải đành chịu. Ở bên này (Đài Loan – PV) họ cũng trọng chữ tình, ngày 30 Tết cũng rất quan trọng. Bà cụ chị giúp việc có con ở bên Mỹ nên rất cần bàn tay chăm sóc của chị. Chẳng ai muốn xa quê trong những ngày Tết, nhưng mình đi kiếm tiền lo cho gia đình nên phải cam lòng, vui vẻ ở lại phục vụ người ta thôi”.
Chị Phương Lan là người mà nhóm phóng viên VOV gặp hồi giáp Tết năm ngoái, khi đoàn sang công tác tại Đài Loan. Năm vừa qua, chị không được về ăn Tết và năm nay, lại một cái Tết nữa chị xa chồng con. Những người phụ nữ Việt Nam ngày giáp Tết thường tất tả ngược xuôi, gồng gánh bán buôn để lo cái Tết đầy đủ cho gia đình. Còn những người như chị Lan, ngày Tết bỏ lại sau lưng gia đình, chồng con để lo bếp núc cho người khác…
Những ngày giáp Tết này, PV cũng đã liên lạc với chị Trần Thị Nam, quê ở Nghĩa Đàn, Nghệ An, là lao động giúp việc ở Đài Loan đã được 10 năm. Chị Nam cho biết, chị vừa bay sang Đài Loan sau khi sắm Tết chu đáo cho gia đình ở quê. Người ta ngược xuôi về quê với Tết, sum họp gia đình. Còn chị Nam lại ngược chiều người đi lo Tết nhà chủ. Bà cụ chủ người Đài Loan năm nay đã 89 tuổi, khó có thể thiếu bàn tay chị.
Chị Nam nói: “Lao động giúp việc ở bên này không phải đơn giản để được người sử dụng lao động tin yêu, giữ lại. Những ngày đầu sang đây, nhiều người thấy chị gửi tiền về nên cũng muốn đi, nhưng đi sang không chịu nổi rồi lại về. Chỉ có nhẫn nại và chịu khó mới trụ được. Mình ở nhà đi làm nông, rét cũng phải cấy cày giữa đồng, sang đây cũng phải chịu khó, biết học hỏi, lắng nghe mới được người ta tin yêu”.
Niềm an ủi lớn nhất của những người phụ nữ như chị Lan, chị Nam là tương lai của con cái. Các chị đều đã xây được nhà ở quê, lo cho con đi học; tin tưởng vào người chồng ở nhà đã hi sinh để dạy dỗ con cái nên người. Với chị Lan, bây giờ chị toàn tâm đi làm tiếp để lo tiền cho cậu con trai đang du học tự túc tại Nhật Bản. Còn chị Trần Thị Nam, trong câu chuyện với PV, chị cho biết đã lo cho dựng vợ gả chồng cho 2 đứa con, đầu tư vốn cho con làm ăn. Chị ở lại xứ người thêm đôi năm nữa, kiếm thêm chút tiền để về quê lo cho tuổi già của hai vợ chồng.
Chị Phương Lan chia vui với PV là tạp chí “Thế Giới” của Đài Loan vừa phỏng vấn và viết bài kể về cuộc sống của chị, như là tấm gương của sự vượt khó, vươn lên của một phụ nữ nghèo: “Cuộc sống khó khăn trước kia, đến giờ mỗi nghĩ lại chị vẫn còn ái ngại. Một một túp lều xiêu vẹo, dột nát với hai đứa con nheo nhóc. Để có được ngày hôm nay, chị phải cảm ơn anh xã và các con. Khi gặp khó khăn nhưng chỉ cần cả gia đình đồng tâm hiệp lực thì sẽ vượt qua tất cả. Chẳng còn bao lâu nữa là chị được đoàn tụ cùng các tình yêu của mình rồi. Chị luôn mong chờ một cái Tết gần nhất được nấu bữa cơm tất niên và cùng đón Giao thừa bên cha mẹ, chồng con”./.