Trước Tết Nguyên đán Bính Thân 10 ngày, không khí trên đường phố và cuộc sống của người dân Macau (Trung Quốc) không mấy thay đổi so với ngày thường. Tuy nhiên, trong một căn phòng nhỏ nằm trên tầng 4 của tòa nhà Trung tâm công nghiệp Bảo Phong, nhiều chị em lao động Việt Nam đang chộn rộn chuẩn bị đón Tết. Người trang trí mâm ngũ quả, bày bánh trái, cắm hoa, người gói bánh chưng, bánh tét. Họ là những thành viên của Hội đồng hương tương trợ Việt Nam tại Macau.
Sắp xếp mâm ngũ quả và bánh chưng, bánh nếp |
Không khí vui vẻ, ấm áp khiến gương mặt ai cũng rạng rỡ và tạm quên đi cảm giác đang ở nơi đất khách quê người. Ngày thường, họ làm nhiều việc khác nhau, chủ yếu là người giúp việc, bán hàng, lao động lặt vặt…, nhưng biết hôm nay có đoàn nhà báo đến chụp ảnh, phỏng vấn, các chị em đều mặc bộ quần áo đẹp nhất, trang điểm rực rỡ nhất như đi biểu diễn văn nghệ vậy. Nhưng đằng sau những gương mặt rạng rỡ ấy, không thể đếm hết những khó khăn vất vả, thiệt thòi và cả tủi hờn, thui thủi một mình khi xa chồng con của các chị khi bươn chải mưu sinh nơi xứ người.
Chị Trần Thị Thu (bên phải) và bà Giám đốc Phật đường - nơi tổ chức buổi đón Tết của Hội đồng hương tương trợ Việt Nam tại Macau |
Bà Vũ Chi Mai, Phó Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Đặc khu hành chính Hongkong-Macau đi cùng đoàn chúng tôi cũng xắn tay áo gói bánh cùng mọi người. Không khí vui vẻ, náo nhiệt hẳn lên cùng tiếng chuyện trò, hỏi thăm ríu rít như những người thân trong gia đình. Đối với các chị em của Hội đồng hương tương trợ Việt Nam tại Macau, bà Vũ Chi Mai vừa là người đại diện của Tổng lãnh sự quán, nhưng cũng gắn bó thân thiết như người nhà.
Bà Vũ Chi Mai (ngoài cùng bên phải) tham gia gói bánh cùng mọi người |
Vừa thoăn thoắt trải lá, xúc gạo, rải đỗ và thịt làm nhân bánh rồi gói ghém, vặn lạt, chị Hoàng Thị Loan vừa hướng dẫn cho các chị em khác cùng làm theo. Ở Macau không có lá dong và lạt, các chị thường phải nhờ người mang từ Việt Nam hoặc qua Trung Quốc mua. Chị Hoàng Thị Loan chia sẻ: “Tôi ở đây được 10 năm rồi, thấy các bạn về quê đón Tết cũng thấy buồn một chút nhưng chị em tổ chức gói bánh đón Tết như thế này thì nỗi buồn cũng vơi đi. Cũng cảm thấy gần gũi và vui như mình đang ở quê nhà vậy”.
Phóng viên VOV trao đổi với chị Hoàng Thị Loan |
Mười hai năm đi lao động ở nước ngoài là bằng ấy năm chị Trần Thị Thủy - quê ở huyện Mê Linh, Hà Nội, không có điều kiện về ăn Tết cùng gia đình. Càng gần đến Tết thì nỗi nhớ người thân, nhớ quê hương càng da diết hơn. Chị tâm sự: “Xa quê, đến ngày Tết cứ rưng rưng vì không được gần con cái và gia đình. Có những lúc rất muốn về thăm nhà nhưng điều kiện không về được nên đành phải nhẫn nại. Tôi thấy Tết cổ truyền của Việt Nam mình được ở bên cạnh gia đình sum họp thì vui lắm, so với Tết của các nước khác thì vui hơn”.
Chị Trần Thị Thủy |
Tham gia gói bánh chưng, chuẩn bị đón Tết cùng chị em, chị Thủy như tìm lại được cảm giác náo nức đón Tết trước đây nơi quê nhà. Chị cho biết khi gói xong bánh chưng, ai có điều kiện thì ở lại cùng nhau luộc bánh, trò chuyện vui vẻ. Chị cũng như những chị em khác khi đến đây tham gia gói bánh chưng, được hưởng mùi vị ngày Tết nên ai nấy đều rất xúc động, thấy đỡ nhớ gia đình, quê hương.
Phóng viên VOV trao đổi với chị Nguyễn Thị Tách |
Còn chị Nguyễn Thị Tách thì khoe với chúng tôi bộ áo dài màu đỏ thắm thêu hoa sen mà chị đặt may và nhờ người mang từ Việt Nam sang để diện trong ngày Tết: “Mỗi khi Hội của chúng tôi tổ chức hay đi tham quan ở đâu là chị em mặc áo dài Việt Nam để thể hiện mình là người Việt Nam, đi đâu người dân đều trầm trồ khen ngợi, muốn chụp ảnh chung làm kỷ niệm nên chúng tôi rất tự hào”.
Bánh chưng và bánh nếp sau khi được các chị kỳ công làm |
Chúc các chị đón một năm mới, một Tết Nguyên đán đầm ấm và nhiều niềm vui khi xa quê hương. Các chị cứ rạng rỡ và tươi trẻ như sắc thắm của đào xuân mà chúng tôi được nhìn thấy ở đó nhé./.