Chị Phan Bích Thiện, người Việt ở Hungary hiện là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Quỹ “Vì quan hệ Hunggary Việt Nam”  nhận xét, trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nhiều điểm mới.

kieu%20bao.jpg
Chị Phan Bích Thiện, người Việt ở Hungary,
Một là nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền, quản lý bằng hiến pháp, pháp luật đã được nâng một mức cao hơn. Nghĩa là trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp, rất nhiều mục được đưa thêm vào để cụ thể hóa việc nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền, được quản lý bằng hiến pháp, pháp luật. Quyền công dân trong bản dự thảo Hiến pháp được mở rộng ra và cụ thể hóa nhiều. Như đưa vào quyền công dân hình thức góp ý, dân chủ, trực tiếp, còn trong bản Hiến pháp cũ chỉ thông qua các hình thức HĐND hoặc các tổ chức. Trong điều 6 của chương I, trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã đưa mục: Nhà nước và Hiến phápViệt Nam bảo vệ công dân Việt Nam, bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Hai là trong bản dự thảo Hiến pháp có đưa thêm một khái niệm mới, đó là quyền con người, trong điều 23, chương II. Trong đó, có các mục: thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của từng người chỉ được phép công khai nếu người đó đồng ý. Và đặc biệt, trong thời đại phát triển về công nghệ khoa học bây giờ thì trong bản dự thảo Hiến phápnày đã có thêm mục về quyền sở hữu trí tuệ, về bảo vệ môi trường.

Theo chị Thiện, đó là những điểm rất kịp thời với xu hướng phát triển của xã hội bây giờ.

Về kinh tế trong dự thảo Hiến pháp có đặt cụ thể nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và có bao gồm tất cả các thành phần kinh tế khác nhau, coi trọng tất cả các thành phần kinh tế có vai trò ngang nhau. Chị Thiện cho rằng, đây cũng là một điểm rất tích cực trong việc phát triển kinh tế thị trường của nước ta hiện nay.

Ở góc độ của một công dân Việt Nam ở nước ngoài chị Phan Bích Thiện cũng có những góp ý băn khoăn về quyền bầu, ứng cử của đối tượng sinh sống ở nước ngoài. Theo chị Thiện không rõ ràng lắm về việc bầu cử, ứng cử Quốc hội. Bản Hiến pháp sửa đổi có ghi: công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử Quốc hội và từ 21 tuổi trở lên thì có quyền ứng cử Quốc hội. Việc này sẽ vận dụng như thế nào với công dân Việt Nam ở nước ngoài bởi vì nếu mà mình nhận là tất cả những người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì tất cả những quyền của công dân Việt Nam sẽ được hoàn toàn thực hiện một cách bình đẳng./.