Sáng nay (11/1), Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân TPHCM về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đến các cơ quan ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thông tấn báo chí.
Tại Hội nghị, PGS-TS Hoàng Thế Liên-Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã trình bày về những nội dung sửa đổi, bổ sung và các điểm mới của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; nêu 9 vấn đề cốt lõi của việc chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp 1992; Sự cần thiết phải sửa đổi bổ sung Hiến pháp 1992. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này có 11 chương, 124 điều. So với Hiến pháp 1992, giảm 1 chương, 23 điều, giữ nguyên 12 điều, sửa đổi bổ sung 101 điều và bổ sung mới 11 điều. Về tầm quan trọng của việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nhấn mạnh: “Hiến pháp là một văn kiện chính trị pháp lý, là đạo luật gốc rất quan trọng. Nó là nhân tố bảo đảm sự ổn định chính trị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời nó là văn bản chính trị pháp lý thể hiện chủ quyền nhân dân. Chính vì vậy mỗi lần sửa đổi Hiến pháp đó là sự kiện chính trị trọng đại của một quốc gia. Do tầm quan trọng của Hiến pháp như vậy nên trình tự thủ tục sửa đổi Hiến pháp là trình tự, thủ tục đặc biệt được quy định trong Hiến pháp”.
Ngay sau Hội nghị này, các cơ quan, đơn vị, ban ngành đoàn thể trên địa bàn TPHCM sẽ tổ chức lấy ý kiến góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Từ ngày 18/1 đến ngày 10/3, Ban chỉ đạo Thành phố kiểm tra tình hình triển khai thực hiện, gửi báo cáo tổng hợp ý kiến đến Chính phủ và Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần 1 vào ngày 15/3 và lần 2 vào ngày 31/3./.