Sáng 9/10, tiếp nối hành trình của đoàn cựu giáo viên kiều bào Thái Lan về thăm quê hương, đoàn đã có những hoạt động ý nghĩa khi viếng thăm khu di tích Phủ Chủ tịch, Hoàng thành Thăng Long và Bảo tàng Quân đội. Mỗi địa danh đi qua, đều mang đến những cảm xúc ngập tràn và để lại trong lòng mỗi người người con đất Việt sống xa quê hương những ấn tượng khó quên... 

a1_tswd.gif

Trước Lăng Bác Hồ.

Trong tiết trời dịu nhẹ của mùa thu, đoàn cựu giáo viên kiều bào Thái Lan được hướng dẫn thăm quần thể di tích Lăng Bác, nơi trở thành khu tưởng niệm quan trọng trong 15 năm sống và làm việc của Bác Hồ từ tháng 12/1954 đến tháng 9/1969. 

Tại đây, đoàn kiều bào tham quan Phủ Chủ tịch, ao cá, giàn cây leo, vườn cây ăn quả, ô tô, ngôi nhà năm 1954... Nhiều bà con Việt kiều đã vô cùng xúc động và ngạc nhiên khi lần đầu tiên được thấy nhiều hình ảnh từ lâu đã đi vào tâm thức của mỗi người Việt qua những câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu như: Đường Xoài, bụt mọc, hàng râm bụt đỏ hoa quê… và đặc biệt là ngôi nhà sàn lịch sử của Bác, biểu tượng cho lối sống giản dị, khiêm tốn và sự dâng hiến cho Tổ quốc, nhân dân. 

Trên đường thăm Phủ Chủ tịch.

Theo lời ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc khu di tích thì nơi đây đã đón hàng triệu khách trong nước và quốc tế về đây ngưỡng mộ phẩm chất cao quý và tư tưởng của người Anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới với tấm lòng yêu thương sâu sắc.

Trong niềm xúc động, bà Lương Thu Thảo (tỉnh Chiềng Mai, Thái Lan) chia sẻ: “Sau bao nhiêu năm, hôm nay tôi thực sự xúc động khi được nghe về phong cách sống của Bác cũng như nghẹn ngào khi được xem lại những hình ảnh cuối cùng của Bác trên giường bệnh và tình cảm của Bác dành cho nhân dân, Tổ quốc. Tôi nghĩ, là người con gốc Việt sống trên đất Thái hơn 40 năm, nhưng dòng máu Việt vẫn luôn chảy trong tâm thức của mỗi người và qua đây, tôi rất tự hào mình là con cháu của Bác”. 

Trước Phủ chủ tịch.

Chú Đào Trọng Lý (nguyên Chủ tịch Hội người Việt tại tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan), cho biết với sự giúp đỡ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đây là một trong những chuyến về nguồn đầy ý nghĩa giúp các cựu giáo viên, những người sinh ra và lớn lên tại Thái Lan cho đến nay đều từ 60 đến 70 tuổi, nhớ lại hình ảnh gần gũi, thân thương của Bác trong những ngày hoạt động tại Thái Lan, dặn dò bà con kiều bào đoàn kết hướng về quê hương đất nước.

Tiếp đó, đoàn đến tham quan khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đây là trường đại học đầu tiên của Việt Nam ghi danh các Tiến sĩ đỗ đạt qua các thời kỳ, có tác động xã hội to lớn đối với người đương thời và hậu thế. Được ghi tên trên bia đá là niềm khích lệ lớn đối với việc học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho đất nước và xã hội. Bia Tiến sĩ là biểu tượng và niềm tự hào của sự thành đạt về trí tuệ. 

Kỷ niệm Hoàng thành Thăng Long.

Chăm chú lắng nghe hướng dẫn viên thuyết minh, chú Lê Quốc Vi (cựu giáo viên dạy tiếng Việt trường Đại học Hoàng Gia tại tỉnh Ubon Ratchathani, Thái Lan) cho biết: “Văn Miếu – Quốc Tử Giám xưa là chốn "cửa Khổng sân Trình" là "Thánh đường của Nho học", nơi đào tạo và biểu dương nhân tài của đất nước, nay là một khu di tích lịch sử - văn hóa, biểu trưng cho bản sắc của Việt Nam, xứng đáng để con cháu noi theo học hỏi. Tinh thần này, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy tại đất nước Thái Lan để qua đó tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa kiều bào với quê hương, đất nước, tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Thái Lan”.

Buổi chiều, đoàn tiếp tục thăm Hoàng thành Thăng Long và Bảo tàng Quân đội, tại mỗi địa danh đều mang lại những cảm xúc khó tả. Cô Trần Thị Thuận (65 tuổi, cựu giáo viên dạy tiếng Việt) chia sẻ: “Trở về quê hương cùng các thành viên trong đoàn, tôi hết sức xúc động. Được nghe các bạn hướng dẫn viên giới thiệu và kể những câu chuyện xúc động về lịch sử hào hùng của dân tộc cũng như những chiến công của quân và dân ta trong quá khứ với giọng nói quê hương thật truyền cảm”. 

Lưu luyến trước chứng tích tại Bảo tàng Quân đội.

Cô Thuận cho biết thêm: “Chúng tôi, những thành viên trong đoàn tuy tuổi đã cao nhưng với tấm lòng luôn hướng về quê hương sẽ tiếp tục cố gắng thực hiện tốt những lời Bác dạy để xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giữ gìn bản sắc văn hóa cho thế hệ mai sau. Những chuyến đi về nguồn như thế này thật ý nghĩa, làm cho chúng tôi rất phấn khởi”.

Chú Trịnh Cao Sơn (Chủ tịch hội người Việt tại tỉnh Nakhon Pathom, Thái Lan) cho biết: “Tôi về thăm quê hương nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên tham gia cùng đoàn cựu đoàn giáo viên nên cảm thấy rất vui. Tôi thấy hoạt động này rất có ý nghĩa, bởi đây là cơ hội chúng tôi được gặp nhau, cùng nhau ôn lại những năm tháng truyền tải, gìn giữ văn hóa tiếng Việt trong tình hình khó khăn, để thực hiện lời Bác dạy. Chúng tôi quên đi sự hạn chế của tuổi tác và sẽ tiếp tục làm hết sức mình để thế hệ con cháu tại Thái không quên văn hóa Việt, hướng về cội nguồn dân tộc”.

Hành trình trở về quê hương lần này đã để lại trong lòng các thành viên trong đoàn nhiều cảm xúc, kỷ niệm với những ấn tượng khó phai. Ngày mai (10/9), Đoàn sẽ tiếp tục tham gia những hoạt động tại Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và các địa danh lịch sử khác trước khi về nước./.