Ông Nguyễn Văn Thìn, nguyên Chủ tịch lâm thời Hội đã được Ban Chấp hành bầu làm Chủ tịch Hội. Đại hội đã thông qua dự thảo Điều lệ, logo của Hội và đề ra phương hướng hoạt động cho nhiệm kỳ này.
Đại hội là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ của những thành viên tích cực đầu tiên trong Ban chấp hành lâm thời hơn hai năm qua, từ những thời điểm gian khó nhất của đại dịch Covid-19.
Ban chấp hành lâm thời đã phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan tổ chức được nhiều hoạt động mang nhiều ý nghĩa như tổ chức Tết Trung Thu và trại hè cho con em trong cộng đồng, giới thiệu đại biểu tham gia các hoạt động ở trong nước, như thăm Trường Sa, tham dự lớp tập huấn giáo viên tiếng Việt, gửi con em dự Trại hè, ủng hộ đồng bào và Chính phủ chống dịch Covid-19, ủng hộ đóng xuồng chủ quyền và Quỹ vì biển đảo, ủng hộ phong trào xóa đói nghèo và hỗ trợ đồng bào bị thiên tai trong nước… Ban Chấp hành lâm thời cũng tích cực giới thiệu đại biểu ưu tú tham dự Đại hội lần thứ II Liên hiệp Hội Người Việt Nam tại Châu Âu tổ chức tại Cộng hòa Séc tháng 9/2022.
Tại Hà Lan có khá nhiều nhóm, hội của cộng đồng người Việt tại nhiều tỉnh, thành phố đã hình thành tự phát. Bà con thường xuyên tổ chức những hoạt động đoàn kết, tương thân, tương ái với nhau, kết nối, chia sẻ thông tin, cùng gìn giữ bản sắc văn hóa và tiếng Việt và cùng nhau hướng về đất nước.
Tuy nhiên, chưa có Hội chính thức đăng ký hoạt động với chính quyền, đại diện cho cộng đồng người Việt tại Hà Lan trong quan hệ với các cơ quan, tổ chức khác, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ để dẫn dắt các hoạt động một cách bài bản, đều đặn, hiệu quả và có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Hội Người Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan ra đời chính là để đáp ứng những nhu cầu trên.
Phát biểu tại Đại hội, Đại sứ Phạm Việt Anh, người đã đồng hành cùng Ban chấp hành lâm thời từ những ngày đầu tiên, đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hội đối với đời sống của bà con người Việt tại Hà Lan. Hội là nơi hội tụ, đoàn kết ngày càng rộng rãi bà con vào một đại gia đình, để cùng nhau xây dựng tương lai, giữ gìn truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc, cùng hướng về quê hương, đất nước; là nơi tập hợp sức mạnh để cộng đồng ngày càng có vị thế hơn trong xã hội sở tại; đồng thời là cầu nối giữa bà con với Đại sứ quán và với đồng bào trong nước, là nơi phát hiện và giới thiệu nhân lực, vật lực cho đất nước, là một kênh truyền tải các chủ trương, chính sách, những thông tin từ trong nước đến cộng đồng.
Đại hội đã diễn ra trong không khí đoàn kết, ấm áp của một đại gia đình có nhiều thế hệ. Không hẹn mà nên: những bộ trang phục của người dân tộc thiểu số xen lẫn những tà áo dài truyền thống, áo bà ba Nam Bộ bên cạnh tà áo tím đậm sắc Huế…tình cờ tạo nên một bức tranh đại đoàn kết mà không ai làm đạo diễn hay sắp đặt.
Thành viên Ban Chấp hành cao tuổi nhất đã 90 tuổi, phát biểu với những lời từ đáy lòng: “Trước đây, tôi đã xin rút, vì tuổi cao, sức yếu, nhưng trong không khí này, tôi ở lại Ban Chấp hành cùng mọi người”. Một lời như vậy mà khiến nhiều người muốn rút cũng đã thay đổi quyết định để ở lại chung vai gánh vác việc của cộng đồng. Những tình cảm vô tư vì cộng đồng thật đáng quý biết bao!
Sau Đại hội là chương trình liên hoan với những món ăn do chính các đại biểu chế biến, rồi đến các tiết mục văn nghệ do các đại biểu thực hiện, ca sỹ cũng tham gia múa phụ họa với nón lá và trở lại làm khán giả, không có kịch bản, không đạo diễn, không luyện tập, nhưng vô cùng nhịp nhàng và ý nghĩa. Mọi người chợt nhận ra rằng: cái hay, cái đẹp có thể không hẳn đến từ kỹ thuật, năng khiếu, mà vẫn có thể toát ra từ sự thật tâm và tình nghĩa chân thành./.