Ukraine đang thiếu phương tiện chống đỡ

Theo các nguồn tin CNN, lô vũ khí mới xuất khẩu từ Iran sang Nga bao gồm khoảng 450 UAV.

Tờ Washington Post đã đầu tiên đưa tin về kế hoạch của Iran gửi tên lửa và UAV cho Nga.

Hôm 1/11/2022, Yuriy Ihnat - phát ngôn viên Bộ tư lệnh Không quân Ukraine cho biết, Ukraine hiện “không có năng lực phòng thủ hiệu quả trước các tên lửa đất đối đất này”. Ông nói, “về lý thuyết thì có thể bắn rơi các tên lửa đó nhưng với phương tiện trong tay Ukraine hiện nay, chúng tôi rất khó bắn hạ được chúng”.

Ngày 18/10, Reuters dẫn lời 2 quan chức cấp cao Iran và 2 nhà ngoại giao Iran thông báo rằng Nga và Iran đã đạt một thỏa thuận vào ngày 6/10 mà theo đó Iran sẽ cung cấp cho Nga các tên lửa đạn đạo đất đối đất. Khi ấy, Phó Tổng thống thứ nhất của Iran Mohammad Mokhber và hai quan chức cấp cao của Lực lượng vệ binh cách mạng Iran cùng một quan chức thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao có mặt ở Moscow.

Một trong các nhà ngoại giao Iran được thông báo về chuyến thăm này nói: “Nga đã yêu cầu có thêm UAV và các tên lửa đạn đạo Iran với độ chính xác cải thiện, đặc biệt là dòng tên lửa Fateh và Zolfaghar”.

Nga hiện mua tên lửa đạn đạo của Iran dù Nga sở hữu công nghệ tên lửa tiên tiến hơn nhiều. Nói một cách ngắn gọn, lý do Nga làm vậy được cho là như sau:

1- Tên lửa Iran hiệu quả về mặt kinh tế khi dùng để tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraine. Các tên lửa này vẫn có độ chính xác. Nhược điểm chủ yếu là chúng có đường bay đạn đạo dự báo được vì không có khả năng cơ động tốt. Do vậy, chúng không thể chọc thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của đối phương. Tuy nhiên, khiếm khuyết này không quan trọng ở đây vì Ukraine không sở hữu các hệ thống hiệu quả trong phòng thủ tên lửa đạn đạo.

2- Mua tên lửa Iran sẽ cho phép Nga tiết kiệm các loại tên lửa đạn đạo tiên tiến và sát thương hơn, chẳng hạn tên lửa Iskander, cho khả năng đụng độ trong tương lai với NATO.

Cụ thể vũ khí Iran đó là gì?

Có khả năng Iran sẽ chuyển giao cho Nga tên lửa Fateh-110 và tên lửa Zolfaghar. Cả hai loại tên lửa này đều đặt trên xe có chiều dài cơ sở thông thường để bảo đảm sự di chuyển linh hoạt. Dưới đây là một số thông tin tổng quan về các vũ khí này dựa trên nguồn mở:

Fateh-110

Đây là một tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn tầm bay 300km gắn trên xe. Tên lửa này được cho là dùng điều hướng quán tính và vệ tinh để lao tới mục tiêu.

Zolfaghar

Tên lửa này là phiên bản xa hơn (700km) của Fateh-110. Nó dài hơn Fateh-110 1,5m và sử dụng motor rocket đẩy cứng. Thân tên lửa nhẹ hơn do sử dụng vật liệu composite.

Zolfaghar chính xác hơn Fateh-110 do có sử dụng thiết bị tìm kiếm hình ảnh hồng ngoại để dẫn đường ở giai đoạn cuối.

Đe dọa hạ tầng cơ sở Ukraine

Theo phát ngôn viên Không quân Ukraine Yurii Ihnat, Nga có kế hoạch triển khai tên lửa dọc theo biên giới phía Bắc của Ukraine, khiến hầu hết lãnh thổ Ukraine gặp nguy cơ.

Phát ngôn viên này cũng xác định các tên lửa đang được chú ý tới là Fateh-110 và Zolfahar, với tầm bắn tương ứng là 300km và 700km, đều là đạn đạo. Ông này khẳng định: “Chúng tôi chưa có biện pháp bảo vệ trước các tên lửa này”.

Thời gian qua, Nga đã làm suy yếu đáng kể cơ sở hạ tầng ngành điện Ukraine. Quan chức Ukraine ước tính năng lực sản xuất điện của nước này đã giảm đi từ 30-40%. Nguyên nhân chủ yếu là các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình, UAV cảm tử và tên lửa không đối đất trong các ngày 10/10, 11/10 và 31/10.

Chuyên gia đánh giá, sức phá hủy của tên lửa đạn đạo Iran sẽ lớn hơn nhiều so với các tên lửa và UAV mà Nga sử dụng thời gian qua trên chiến trường Ukraine. Tên lửa đạn đạo có tốc độ lớn hơn ở giai đoạn cuối và mang theo đầu đạn lớn hơn. Với thực tế tên lửa đạn đạo khó bị bắn hạ, phần lớn cơ sở hạ tầng của Ukraine có thể bị đẩy vào tình trạng hỏng nát.

Mỹ phản ứng ra sao?

Mỹ và NATO khó lòng chấp nhận kịch bản Ukraine thua cuộc trước Nga. Tổng thư ký NATO tuyên bố, thất bại của Ukraine sẽ đồng nghĩa với thất bại của NATO.

Hiện nay, phương Tây có thể tính đến các kịch bản sau để cứu Ukraine:

1- Ngăn ngừa việc Iran chuyển giao tên lửa đạn đạo bằng cách đánh phủ đầu vào các trung tâm kho vận tên lửa Iran. Nếu thành công, biện pháp sẽ giải nguy cho Ukraine. Tuy nhiên, hiệu quả đòn không kích do Mỹ và phương Tây tiến hành sẽ tùy thuộc vào mức độ vũ khí đã được Iran phân phối cũng như mức độ bảo đảm an ninh của Iran cho các cơ sở lưu trữ vũ khí của họ.

2- Cung cấp cho Ukraine các tên lửa có tầm bắn tương tự các tên lửa mà Iran cung cấp, bao gồm biến thể 300km của các tên lửa HIMARS mà hiện nay Mỹ vẫn từ chối cung cấp.

Tuy nhiên, kịch bản này có thể chỉ gây thêm thiệt hại cho Nga chứ không ngăn được tên lửa do Iran sản xuất tàn phá cơ sở hạ tầng của Ukraine.

Nếu Mỹ cố ngăn việc Iran cung cấp vũ khí cho Nga, đồng thời nỗ lực thiết lập vùng cấm bay thì Mỹ sẽ ở vào thế leo thang lớn căng thẳng tại Ukraine, với những hậu quả khó lường vì khi ấy Mỹ sẽ phải can dự trực tiếp vào xung đột này và có thể hứng chịu thương vong./.