Với hàng chục nghìn người sinh sống, làm ăn kinh doanh khắp các tỉnh thành của Lào, cộng đồng người Việt đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước Lào. Những ngày này, sự bình tĩnh, chấp hành nghiêm các qui định của  chính quyền và ngành chức năng sở tại trong việc phòng chống dịch Covid-19 cũng là cách mà cộng đồng người Việt tại Lào góp phần vào sự ổn định và phát triển của đất nươc xứ sở Triệu Voi.

vov_lao_1_fvaf.jpg
Điểm tặng khẩu trang chống dịch tại chùa Bàng Long của người Việt Nam tại Lào.

“Mình xác định tinh thần rồi nên mình chẳng lo lắng gì cả. Ở chỗ nào thì ở yên chỗ đó, không tụ tập đông người, không cà phê cà pháo gì cả. Các khu cách ly trong nước giờ đã quá tải rồi. Mình không muốn về để tăng thêm gánh nặng cho Tổ quốc. Các anh bộ đội đã quá vất vả rồi”.

“Ra đường thì lúc nào mình cũng đeo khẩu trang, về nhà thì xịt khuẩn, đi lúc nào cũng mang theo một chai xịt khuẩn, tránh tiếp xúc đông người để bảo vệ mình và mọi người”.

Đó là chia sẻ của anh Lê Văn Minh Châu- người Nghệ An, đang làm nghề trang trí nội thất tại thủ đô Vientiane và chị Lê Huỳnh Phương Liên, người Hậu Giang sang Lào buôn bán về những suy nghĩ và việc làm của mình khi quyết định ở lại Lào trong những ngày nước này gồng mình chống dịch Covid-19. Sợ dịch, đội thợ của anh Châu đã bỏ về nước hơn một nửa. Nhưng anh vẫn quyết định ở lại, phần vì công việc dở dang, phần vì không muốn mạo hiểm với dịch bệnh khi phải chen lấn trên ô tô với nhiều lao động từ vùng dịch Thái Lan quá cảnh qua Lào về Việt Nam trong những ngày này. 

Còn với chị Lê Huỳnh Phương Liên thì xác định ở lại để tiếp tục buôn bán, dù có khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hạn chế đi lại, căn phòng trọ của vợ chồng chị trong con hẻm nhỏ trên đường Thatluang thành cửa hàng tạp hóa cung cấp các nhu yếu phẩm cho những người thuê nhà xung quanh. Ai mua gì cũng bán, từ gói mì tôm đến cốc cà phê 10.000 kíp, hộp chân gà chua ngọt từ 20 đến 30.000 kip/hộp bán qua mạng cho dân nhậu mỗi chiều để kiếm thêm chút thu nhập, trang trải chi phí sinh hoạt.

Người Việt tại Lào chờ đợi thâu đêm ở cửa khẩu để về Việt Nam.

Những năm gần đây, Lào đã thu hút nhiều người Việt Nam sang làm ăn kinh doanh. Người nhiều vốn thì mở công ty, cửa hàng cửa hiệu kinh doanh vật liệu xây dựng, chế biến hàng thủ công mỹ nghệ, nhận thầu xây dựng. Người ít vốn hơn thì buôn bán rau quả, thực phẩm, bán ăn uống, hớt tóc gội đầu, làm công nhân xây dựng thậm chí là thu gom, buôn bán phê liệu.

Trở thành quốc gia cuối cùng của Đông Nam Á có tên trên bản đồ dịch Covid-19 của thế giới khi 2 ca nhiễm dịch đầu tiên được công bố chiều 24/3, đất nước Lào đã thực sự bước vào giai đoạn chống dịch quyết liệt với nhiều giải pháp mạnh được Chính phủ và ngành Y tế ban hành.

Cũng như hàng ngàn nghìn gia đình người Việt sinh sống tại Lào, anh Vũ Đức Tuấn, chủ quán gà nướng ở ngã tư Dong Dok, thành phố Vientiane  luôn theo dõi thông tin về công tác phòng chống dịch của chính phủ Lào và những khuyến cáo của Đại sứ quán Việt Nam thông qua đài báo, mạng xã hội, các trang Fanpage của cộng đồng người Việt tại Lào và nghiêm túc chấp hành những qui định về phòng chống dịch.

Anh Vũ Đức Tuấn cho biết: “Qua thông báo của Bộ Y tế Lào và Phòng Lãnh sự Đại sứ quán về phòng chống dịch , chúng tôi đã chấp hành đóng cửa quán để cách ly, trang bị cồn rửa tay khô, khẩu trang cho nhân viên đeo, đảm bảo đề phòng lây nhiễm dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe an toàn cho gia đình, nhân viên và cộng đồng”.

Số ca nhiễm Covid-19 tại Lào tăng dần qua từng ngày thì nỗi lo lắng cũng tăng dần trong cộng đồng người Việt ở Lào. Phố Naxay được xem là phố người Việt ở thủ đô Vientiane khi chỉ chưa đầy 1km đã có hàng chục nhà hàng, quán ăn, siêu thị, cửa hàng buôn bán tạp hóa…của người Việt hoạt động với lượng khách ra vào ăn uống, buôn bán lúc nào cũng tấp nập. Thế mà những ngày này, dù là cuối tuần cũng chịu cảnh đìu hiu.

 “Lượng khách ăn uống giảm đến 70%” – anh Lê Tiến Dũng- điều hành Quán Ngon Hà Nội cho biết. Tuy nhiên, anh khẳng định vẫn tiếp tục kinh doanh trong điều kiện nhân viên phải đeo khẩu trang, giao tiếp xa với khách hàng, rửa tay sát khuẩn để phòng dịch.    

Chị Lê Huỳnh Phương Liên chuẩn bị hàng bán cho khách qua mạng.

Điều đáng nói là với lực lượng lao động trẻ, lao động tự do, tâm lý hoang mang lo lắng về dịch bệnh thể hiện rõ khi mấy ngày qua, bất chấp khuyến cáo của Đại Sứ quán và Hội người Việt Nam tại Lào, đã ồ ạt kéo về nước tránh dịch, gây nên cảnh hỗn loạn ở các cửa khẩu, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Mặt khác, tình trạng này còn gây quá tải cho các khu cách ly ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

 Anh Vũ Đức Tuấn chia sẻ: “Lao động từ Thái Lan qua các cửa khẩu của Lào trở về Việt Nam rất nhiều. Nêu bà con tụ tập đông người, kéo về cùng lúc như thế này thì nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao. Tôi khuyên bà con nên yên tâm ở lại, có điều gì, thì  điều kiện cơ sở vật chất y tế của Lào cũng sẽ đảm bảo được cho bà con”.

Còn anh Lê Tiến Dũng, Quán Ngon Hà Nội thì khẳng định: “Không biết suy nghĩ của mọi người thế nào, chứ tôi thấy ở Lào này rất là ổn. Xem báo, nghe đài thì tôi thấy người Việt mình chạy về cửa khẩu Cầu Treo quá nhiều, ùn ứ có lúc cả 4 đến 5 tiếng đồng hồ chưa về được. Có thể ở Lào chúng ta đang ổn, nhưng lên xe, mỗi xe chở 40- 50 người, không biết ai có bệnh ai không có bệnh. Tôi rất lo là dễ lây bệnh trên xe”

Đến ngày 28/3 Lào đã có 8 người nhiễm dịch Covid-19. Bộ Y tế Lào cảnh báo là số ca bệnh sẽ tăng nhanh trong 10 ngày tới và trong cả tháng 4. Lào đã nâng mức ngăn ngừa dịch bệnh lên cấp độ cao nhất. Chính phủ Lào đã ban bố nhiều biện pháp mạnh mẽ và kêu gọi người dân chấp hành nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch. Việt Nam và một số nước đã cam kết hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế, nguồn nhân lực giúp Lào chống dịch để bảo vệ sức khỏe cho người dân, trong đó có cộng đồng hàng nghìn người Việt Nam đang sinh sống, làm ăn tại Lào.

 Bằng ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng, người Việt Nam tại Lào đã, đang và sẽ chung tay cùng nhân dân và Chính phủ Lào thực hiện tích cực các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh nguy hiểm này lây lan ra cộng đồng./.          

Vân Thiêng, Đặng Thùy/VOV-Vientiane