Đối với Hội người Việt Nam tại thành phố Marseille, chiếc bánh chưng còn có ý nghĩa nhiều hơn thế. Bánh chưng là chiếc bánh đoàn kết giữa những người trong Hội với nhau và giữa người Việt Nam ở Marseille với đồng bào trong nước.

Năm nay đã 88 tuổi, lưng đã còng, tóc đã bạc, nhưng bà Trần Thị Quý vẫn nhớ như in những ngày đầu tham gia hoạt động của Hội người Việt Nam ở thành phố Marseille, đặc biệt là những buổi Hội tổ chức gói bánh chưng mỗi dịp Tết đến. Marseille nằm ở mãi phía Nam nước Pháp, cách Việt Nam hàng chục ngàn cây số, ấy vậy mà không khí Tết tràn ngập vì những chiếc bánh chưng.

Đại sứ Dương Chí Dũng chụp ảnh cùng Hội Kiều bào tại Marseille

Những năm đầu gói bánh, người Việt ở thành phố Marseille gặp nhiều khó khăn vì chưa có Hội quán và các nguyên vật liệu làm bánh cũng hiếm. Có khi các thành viên Hội phải gói tại một nhà, luộc bánh ở một nhà khác; rồi không có lá dong, nên phải gói bánh bằng giấy bóng. Mãi sau này, khi điều kiện giao thương giữa Pháp với Việt Nam thuận lợi, mới có lá dong từ trong nước chuyển sang. Nhưng dù khó khăn thế nào, thì không khí gói bánh chưng lúc nào cũng vui vẻ và khẩn trương.

Bà Quý kể: “Cứ từ đầu tháng chạp, các cụ gần xa đều về hết Marseille để ngồi với nhau cùng bàn chuyện làm bánh chưng. Người mang rổ mang rá ra cạp, người mua gạo mua đỗ, ai biết làm gì thì làm cái ấy. Mọi việc chuẩn bị phải từ đầu tháng. Chúng tôi cứ phải gói hàng chục ngày liền, vui lắm!”

Không khí gói bánh chưng dịp sát Tết vui và ấm cúng, nên thu hút được rất nhiều Việt kiều tham gia. Ai hợp với việc gì thì được chọn làm việc ấy, trong đó có một số công việc phải được chọn kỹ hơn. Bà Quý cho biết: “Phải chọn người nào có thời gian liên tục, phải cần cù. Có 3 ban, gồm một ban trong bếp, một ban gói và một ban đi bán. Sắp xếp đâu vào đấy, mỗi người một việc, cứ thế mà làm. Trong bếp chúng tôi, người vo gạo vo đỗ, người luộc, người lo nấu ăn, cũng có đến 6 người. Hồi đó sẵn người lắm!”

Có những năm làm vài ngàn chiếc, gói 250 chiếc một ngày, vậy mà bánh làm đến đâu, bán hết tới đó, giúp cho Hội thu được nhiều tiền. Bà Quý vui vẻ nhớ lại: “Ngày xưa tiền Pháp ấy, cũng phải kiếm được vài chục ngàn. Có năm chội nhất, chúng tôi kiếm được hơn 30.000 Francs. Có năm bán tới mức, có nhiều khách không mua được, họ trách. Sướng lắm, không đủ bánh bán!”

Bà Trần Thị Sâm, một trong những có đóng góp tích cực cho Hội người Việt Nam tại Marseille từ những ngày đầu cho biết, việc gói bánh chưng là nỗ lực của các thành viên Hội, mỗi người bỏ tiền riêng và công sức ra để đóng góp. Tiền bánh bán được dành cho Hội lấy quỹ để hoạt động hướng về quê hương. Đến Hội gói bánh chưng, không chỉ là dịp để bà con có dịp gặp gỡ trao đổi với nhau, mà còn là một cách hỗ trợ hiệu quả cho quê nhà còn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài việc gói bánh, Hội người Việt Nam tại Marseille còn tổ chức các “ngày nấu cơm bão lụt” để quyên góp tiền hỗ trợ đồng bào trong nước những đợt có bão lụt, để vơi đi phần nào khó khăn của đồng bào ở quê nhà. Truyền thống gói bánh chưng của ngày xưa cũng như những ngày “cơm bão lụt” vẫn được duy trì cho tới ngày hôm nay. Ngày nay, bên cạnh ý nghĩa là quyên tiền để duy trì hoạt động của Hội và ủng hộ trong nước, gói bánh chưng và nấu cơm Việt Nam còn giúp truyền bá hình ảnh đất nước Việt Nam đến với bạn bè Pháp và quốc tế. Chị Kim Oanh, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Marseille cho biết:

“Truyền thống gói bánh chưng là truyền thống của Hội người Việt Nam tại Marseille từ mấy chục năm nay, khi mới thành lập Hội. Khi chúng tôi tiếp tục kế thừa, thì thấy rằng đó là truyền thống phải giữ gìn. Giữ truyền thống đó là để cho các cháu sinh để bên này có thể tìm hiểu về văn hóa dân tộc, những giá trị rất quý giá không thể mất đi.”

Cũng vì lý do này mà chị Kim Oanh rất chú trọng chuyện bếp núc của Hội, cũng như quan tâm đến việc dạy nấu ăn cho con cái trong nhà và dạy nấu ăn cho người nước ngoài ở Marseille. Chị Kim Oanh cho rằng, ẩm thực là một cách giúp xóa bỏ khoảng cách để đưa con người gần gũi và đoàn kết với nhau hơn./.