Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều tại châu Âu đã trở thành "sân chơi" chung liên kết, đoàn kết cùng trao đổi thông tin và bàn chuyện hợp tác làm ăn. Từ lúc khởi đầu cho tới tình hình hiện nay với bối cảnh mới, câu chuyện kết nối Đông – Tây luôn được nói đến, song chưa hiệu quả do vẫn bị cản trở bởi những khác biệt. 

vov_f2_baed.jpg
Hơn 300 đại biểu tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều tại châu Âu lần thứ 10.

Tiền thân là Ban Liên lạc doanh nghiệp Việt Kiều tại châu Âu với nòng cốt là Đông Âu, giờ đây Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều tại châu Âu đã phát triển thành hoạt động quy mô lớn và quy tụ đông đảo doanh nghiệp người Việt tại 19 quốc gia khắp Đông và Tây Âu. Con số tham dự Diễn đàn doanh nghiệp lần thứ 10 (từ 16-18/9/2016) tại Hungary đạt mức kỷ lục với hơn 300 đại biểu.

Nhu cầu liên kết cao

Ông Phạm Ngọc Chu, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt kiều tại Hungary, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn lần thứ 10 ở Budapest nhấn mạnh:"Diễn đàn doanh nghiệp là sự liên kết xã hội rất lớn. Trong những doanh nghiệp Việt Kiều ở châu Âu, mỗi người ra đi có những hoàn cảnh khác nhau, có người đi trước, người đi sau, có người ra đi chính thức, có người không chính thức; nhưng qua những diễn đàn này, anh em chúng tôi hòa thuận với nhau, nói lên là anh em chung một nhà, không có rào cản nào, chúng ta đã ngồi chung với nhau và liên kết làm ăn với nhau". 

Ông Phạm Ngọc Chu, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt kiều tại Hungary, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn lần thứ 10 ở Budapest phát biểu.

Ông Lê Hữu Thủy, doanh nhân tại Hungary, khẳng định sức hấp dẫn và lớn mạnh của Diễn đàn: "Từ chỗ lần thứ nhất có 4 nước giờ là 19 nước, nói lên sự cuốn hút và hấp dẫn của diễn đàn. Không thể nói mọi người, mọi doanh nhân giống nhau, nhưng tất cả nói đến sự đoàn kết, nhu cầu kết nối và cao hơn tạo sân chơi cho các doanh nghiệp người Việt Nam tại châu Âu  gặp nhau, trao đổi, nhiều cuộc các doanh nghiệp tự tìm đến với nhau và từ đó có những việc làm ăn, liên doanh liên kết, hỗ trợ và buôn bán với nhau".

Lần đầu tiên tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều tại châu Âu, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Bruno Angelet đánh giá cao hoạt động này, là nơi hữu ích để tập hợp sức mạnh của doanh nhân người Việt ở châu Âu. 

Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Bruno Angelet đánh giá cao hoạt động của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều tại châu Âu.

"Rõ ràng ý tưởng liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu là rất tuyệt vời, đặc biệt khi giờ đây họ cùng nhau bàn đến những cơ hội mà Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam và cách thức để nắm bắt những cơ hội đó”-ông Bruno Angelet nói.

Kết nối Đông – Tây vẫn bị cản trở bởi những khác biệt

Trong suốt quá trình liên kết, câu chuyện kết nối Đông và Tây Âu luôn là một ưu tiên lớn. Tại Đông Âu, các doanh nghiệp Việt kiều - vốn xuất phát buôn bán sỉ và lẻ theo mô hình "chợ" nay không thể làm ăn theo cách cũ. Đa số phải chuyển đổi thành trung tâm thương mại, và quan trọng là để cạnh tranh được, không thể tránh khỏi phải theo cách thức làm ăn bài bản, chuyên nghiệp và minh bạch như ở các nước Tây Âu. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp dù nhỏ nhưng bài bản ở Tây Âu có thể có sự hỗ trợ và bổ sung hiệu quả cho các anh em ở Đông Âu.

Tuy nhiên, rất nhiều khó khăn đặt ra cho câu chuyện kết nối Đông và Tây Âu, từ khác biệt cách làm, ngành nghề, văn hóa kinh doanh, cho tới ngôn ngữ… Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp người Việt Nam tại Pháp phân tích: "Muốn kinh doanh phải biết nhau nhiều hơn, bỏ thời gian nhiều hơn, tìm cơ hội có thể gặp nhau ở “mẫu số chung” là đầu tư ở thị trường Việt Nam. Ngay trong chính EU, thì việc hội nhập giữa Đông và Tây cũng là vấn đề phức tạp".

Mặc dù vậy, chị Nguyễn Thị Vân Trang, luật sư tại Hungary, thành viên Ban tổ chức Diễn đàn lần thứ 10, vẫn khẳng định sự tương đồng nhiều hơn là khác biệt và có thể khắc phục được nếu cùng nỗ lực và đoàn kết: "Khác biệt thì có nhưng không phải quá lớn. Chúng ta có tương đồng là đều là thế hệ sinh ra ở Việt Nam và sang đây học tập và gây dựng sự nghiệp. Những khác biệt như ngành nghề khác nhau, nền kinh tế các nước khác nhau, trình độ của mỗi người khác nhau, nhưng đó là những khác biệt mang tính cá nhân chứ không mang tính xu hướng. Tôi vẫn nhìn nhận rằng các doanh nghiệp Đông Âu với Tây Âu, thì sự tương đồng nhiều hơn là khác biệt".

Với những khác biệt còn lớn, chủ yếu kết nối Đông Tây hiện giờ là chia sẻ thông tin và kinh nghiệm làm ăn. Nhưng theo ông  Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội doanh nhân người Việt tại Italy, các doanh nghiệp Tây Âu có thể phối hợp với sự lớn mạnh về vốn và sự nhạy bén của các doanh nghiệp Đông Âu để cùng phát triển làm ăn.

“Mỗi nhiệm kỳ EU và các nước đều có những ưu đãi cho những lĩnh vực cụ thể như năng lượng sạch, giáo dục, phát minh… thì phải những doanh nghiệp ở Tây Âu có tư cách pháp nhân và hiệu quả thì mới tiếp cận được những chương trình ưu đãi đó, do đó nếu Đông và Tây Âu kết hợp tạo nên một mô hình công ty mẫu. Và khi đã hiệu quả rồi, các ngân hàng sẽ khuyến khích cho vay tiền để mở rộng làm ăn nếu nhìn vào hiệu quả hoạt động của mình”-ông Phạm Xuân Hồng chia sẻ.

Dĩ nhiên, nói về lý thuyết không dễ dàng khi triển khai. Đã có một số mô hình thành công, ví dụ điển hình việc kết hợp và đưa chuỗi quán ăn nhanh Thăng Long của doanh nghiệp Việt kiều ở Đức sang triển khai thành công tại các Trung tâm thương mại lớn ở Bungary. Tuy nhiên, những mô hình thành công rõ nét như thế chưa nhiều, nếu không nói là rất ít.

Để hoạt động hiệu quả hơn, liên kết các doanh nghiệp Việt kiều ở châu Âu còn một chặng đường dài. Theo nhiều ý kiến, quan trọng nhất là chúng ta phải đảm bảo chất lượng hàng hóa để cạnh tranh lâu dài trên thị trường châu Âu ngày càng khó tính, thay vì chỉ chú ý đến việc buôn bán sản phẩm giá rẻ. Thương hiệu Việt cũng là câu chuyện quan trọng, mà nói như ông Nguyễn Hữu Mẫn, chủ chuỗi siêu thị Vimpex tại Hungary thì phải tạo thương hiệu Việt tốt mới đưa được hàng hóa của chúng ta vào các chuỗi phân phối lớn ở nước sở tại.

Hay theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội doanh nhân người Việt tại Italy, Liên hiệp các doanh nghiệp Việt kiều tại châu Âu cũng như nhiều Hội Doanh nhân người Việt một số nơi cần có tư cách pháp nhân, khi đó, các giao dịch, quan hệ với các cơ quan Nhà nước sở tại hay nước ngoài sẽ chính thức và hiệu quả…

Và tại Diễn đàn lần thứ 10 vừa qua, lần đầu tiên, chủ đề bồi dưỡng và chuyển giao cho thế hệ doanh nhân trẻ người Việt tại châu Âu đã được thảo luận, chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới./.