Từ đầu năm đến nay, đại dịch Covid-19 đã gây nhiều khó khăn trong xúc tiến thương mại, giao thương hàng hóa. Trong 8 tháng năm 2020, cả nước có khoảng 70.000 DN rút lui khỏi thị trường. Trong đó, hơn 34.000 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, hơn 24.000 DN chờ giải thể, hơn 10.000 DN hoàn tất thủ tục giải thể. Nhiều khả năng các con số này sẽ chưa dừng lại, bởi hầu hết các DN đang phải đối mặt với bài toán nan giải về nguyên liệu sản xuất, thị trường và đầu ra cho xuất khẩu hàng hóa.

Trước bối cảnh đó, xúc tiến thương mại tìm kiếm khách hàng và xuất khẩu hàng hóa trực tuyến là hướng đi tất yếu. Việc chuyển đổi từ xúc tiến thương mại theo lối truyền thống, trực tiếp sang xúc tiến thương mại trực tuyến là giải pháp được cả cơ quan quản lý nhà nước cũng như không ít DN thúc đẩy nhằm kết nối phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường .

TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng, xúc tiến thương mại trực tuyến chi phí chỉ bằng 1/10 so với xúc tiến trực tiếp nhưng đem lại hiệu quả gấp nhiều lần. Ưu điểm vượt trội của kênh xúc tiến thương mại này là rút ngắn khoảng cách giữa các đối tác, khách hàng và DN.

“DN có thể tiếp thị toàn cầu, truy cập lấy thông tin cũng như giao dịch với khách hàng 24/7. Đặc biệt, xúc tiến thương mại trực tuyến chi phí chỉ bằng 1/10 so với xúc tiến trực tiếp nhưng đem lại hiệu quả gấp nhiều lần. Tất nhiên, phương thức này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro khi các ứng dụng về marketing hoặc quảng cáo và bán sản phẩm có thể bị lợi dụng để bán hàng kém chất lượng, hàng hóa và dịch vụ không tương xứng với giá bán”, ông Nam cho biết.

Cũng theo ông Nam, trước đây VINASME thường chủ trì các chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia với việc tổ chức các đoàn DN Việt Nam tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại quốc tế. Hiện nay, để thích ứng với tình hình mới, VINASME đã nhanh chóng điều chỉnh hỗ trợ xúc tiến thương mại sang trực tuyến cho DN.

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của cộng đồng DN, thời gian tới vẫn cần sự đồng hành sát sao hơn nữa của cơ quan quản lý nhà nước, nhất là ở góc độ tài chính nhằm giúp DN thành công hơn trong xúc tiến thương mại trực tuyến, tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa khi hội nhập kinh tế sâu rộng.

Để tiếp sức cho sự thay đổi này, thời gian tới các cơ quan hữu quan cần tăng cường tuyên truyền về tính ưu việt của xúc tiến thương mại trực tuyến, kinh doanh thương mại điện tử; tổ chức các khóa đào tạo, hỗ trợ DN về nhân sự điều hành kinh doanh thương mại điện tử, hỗ trợ tài chính để DN chuyển đổi số, nắm bắt và tận dụng các cơ hội kinh doanh...

Sản phẩm chất lượng, giá thành tốt

Theo ông Trần Đình Toản, Phó Tổng giám đốc Công ty OSB, Đại lý ủy quyền chính thức của Alibaba.com tại Việt Nam, Chủ tịch Liên minh hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam (VESA), sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, giá thành tốt mới có thể thành công trong xúc tiến thương mại trực tuyến. Đặc biệt, trong xúc tiến thương mại trực tuyến, các DN cần có 5 yếu tố chính để thành công.

Cụ thể theo ông Toàn, DN phải có sản phẩm đủ khả năng, tiềm năng xuất khẩu với giá thành cạnh tranh; DN phải có nhân sự chuyên trách và gian hàng quảng bá chuyên nghiệp. Cùng với đó, DN cần hoạt động tích cực nhằm nâng cao thứ hạng gian hàng, tăng khả năng quảng bá sản phẩm, đặc biệt là để tiếp cận nhà nhập khẩu một cách toàn diện nhất. Đặc biệt, do tính cạnh tranh trong thương mại điện tử rất khốc liệt, nên các DN cần số hóa tất cả điểm tiếp xúc để tương tác với người mua hàng, qua đó hỗ trợ tốt cho công tác bán hàng từ khâu marketting, bán hàng cho tới chăm sóc khách hàng...

“Thương mại điện tử dễ với chúng ta và cũng dễ cho tất cả đối tác khác. Nếu DN chuẩn hóa, số hóa tất cả các kênh thì khả năng "bao vây" những kênh tiếp cận của các đối tác nhập khẩu sẽ rất lớn. Chúng tôi coi những DN được chuyển đổi số giống như trên bệ phóng, nếu bệ phóng tốt sẽ giúp DN xuất khẩu trực tuyến có kết quả cao, nhanh và thậm chí là tối ưu hiệu quả”, ông Toàn khẳng định.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian qua đơn vị liên tiếp thực hiện đa dạng nhiều cuộc giao thương trực tuyến, hỗ trợ và đồng hành cùng DN nông sản, thực phẩm Việt Nam duy trì kết nối với đa dạng thị trường trọng điểm và mục tiêu, giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch.

Tuy vậy, hiện vẫn còn một số loại sản phẩm nông sản của Việt Nam trên thực tế chưa có sức cạnh tranh với các sản phẩm hữu cơ các nước khác cùng khu vực, nguyên nhân chính do khâu chế biến, đa dạng hóa sản phẩm còn nhiều hạn chế làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm. Hầu hết phải xuất khẩu dưới dạng sản phẩm sơ chế đóng trong bao bì lớn, không có thương hiệu nên giá rất thấp, người sản xuất kinh doanh chịu rất nhiều thua thiệt.

“Các DN Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu nổi tiếng nên chưa xuất khẩu được thành phẩm đóng trong bao bì nhỏ phân phối tới tận tay người tiêu dùng. Trước bối cảnh đó, Cục XTTM sẽ tiếp tục tiến hành thực hiện một số hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực phát triển sản phẩm, đáp ứng được các tiêu chí để đạt chứng nhận quốc tế cho sản phẩm. Đồng thời, Cục sẽ kết nối chuyên gia thiết kế và marketing trong và ngoài nước để cùng doanh nghiệp nghiên cứu, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, nhận diện thương hiệu, thông điệp truyền thông thương hiệu giúp gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu”, ông Phú nói./.