Thành tích xuất siêu được coi như một “tấm huy chương” trong nền kinh tế Việt Nam năm 2012. Nhưng xuất khẩu (XK) hàng hóa vẫn còn nhiều bất cập phải khắc phục trong năm 2013 và các năm tiếp tiếp theo.

Xuất siêu bất ngờ và bất thường...

Năm 2012, Việt Nam xuất siêu 284 triệu USD sau 19 năm, nhiều người cho đó là thành tích. Nhưng GS, TS Nguyễn Kế Tuấn (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng: Đó là một điều bất ngờ mà trong đó có rất nhiều yếu tố bất thường. Bất ngờ vì đến đầu quý IV/2012 vẫn có dự báo nhập siêu có thể ở mức 1 tỷ USD.

1da.jpg
Giầy dép đang là một trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (Ảnh: Petrotimes)

Về sự bất thường, ông Tuấn chỉ ra rằng: Kim ngạch hàng hóa XK tăng cao chủ yếu ở khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) (tới 31,2%), trong khi khu vực kinh tế trong nước tăng chỉ 1,3%. Hơn nữa, XK của DN FDI tăng cao chủ yếu nhờ các mặt hàng điện thoại và linh kiện, điện tử, máy tính và linh kiện, dệt may, giày dép. Đây là những mặt hàng sản xuất dưới hình thức gia công- lắp ráp, sử dụng lao động giản đơn, giá trị gia tăng và lượng ngoại tệ thực thu thấp.

Ví dụ, nếu theo thống kê, kim ngạch XK điện thoại và linh kiện tới 12,6 tỷ USD, tăng 97,7% so với 2011; điện tử và máy tính đạt 7,9 tỷ USD, tăng 69,1%... Nhưng nhập linh kiện đầu vào đã mất 13,1 tỉ USD. Theo TS Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), cho dù nhóm điện thoại đạt kim ngạch XK cao đột biến năm 2012, nhưng giá trị gia tăng thực cho nền kinh tế vẫn rất thấp, và Việt Nam chỉ thụ hưởng rất ít trong số đó nhờ lực lượng lao động giá rẻ của nước ta làm gia công, lắp ráp cho họ.

“Hàng XK của nước ta chủ yếu dựa vào gia công, lắp ráp, thậm chí còn có xu hướng nặng nề hơn do càng ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguyên liệu nhập khẩu. Đơn cử như ô tô, điện thoại di động hiện vẫn chủ yếu sử dụng lao động gia công, lắp ráp...”- TS Phương nhận định.

GS, TS Nguyễn Kế Tuấn còn chỉ ra sự bất thường nữa ở chỗ: trong 18,3% tăng kim ngạch xuất khẩu năm 2012, phần đóng góp của các DN FDI lên tới 17,6%, còn DN trong nước chỉ 0,7%. Nói cách khác, “thành tích xuất siêu chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp FDI, không phải DN trong nước. Đương nhiên, các DN FDI cũng là DN Việt Nam, nó cũng là các chủ thể kinh tế trên đất nước Việt Nam, nhưng điều này phản ảnh sự yếu kém của các doanh nghiệp trong nước”.

Xuất khẩu vẫn tăng lượng, giảm giá trị

Về cơ cấu hàng xuất khẩu, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), phân tích thêm: Năm 1986, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam mới chỉ dưới 1 tỷ USD, đến 2012 con số này đã lên 114,6 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng hằng năm cũng tăng khá cao so với khu vực và thế giới. Dù quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu quan trọng với tăng trưởng kinh tế, nhưng chất lượng xuất khẩu còn quan trọng hơn, trong đó đặc biệt là cơ cấu hàng xuất khẩu.

Thực tế tại Việt Nam, theo bà Thủy, sau “tấm huy chương” về thành tích XK năm 2012, chất lượng cơ cấu hàng hóa XK còn nhiều bất cập, như: XK hàng hóa hiện nay chủ yếu vẫn là hàng hóa thô và sơ chế, hàng hóa thâm dụng tài nguyên, thâm dụng lao động, có giá trị gia tăng thấp.

Nhận định của bà Thủy dễ dàng được chứng minh qua số liệu của Tổng cục Thống kê: Trong số 40 mặt hàng XK chủ yếu, có 29 mặt hàng liên quan đến DN FDI, trong số này có đến 17 mặt hàng DN FDI chiếm từ 60 - 90% tỷ trọng XK. Các DN này tập trung sản xuất ở những ngành công nghiệp nhẹ như: điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, giày dép...

Nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt kim ngạch XK tốp đầu trong năm 2012

Cùng quan điểm này, nhiều chuyên gia còn đánh giá tăng trưởng XK năm qua chủ yếu do tăng số lượng. Đơn cử, kim ngạch XK các sản phẩm nông lâm thủy sản ước đạt hơn 27,5 tỉ USD, tăng 9,7% so với năm 2011, xuất siêu được 10,6 tỉ USD trong năm 2012. Có 7 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD, gồm: gạo, cà phê, cao su, đồ gỗ, hạt điều, sắn và thủy sản. Nhưng nhiều nhóm hàng nông sản tăng mạnh về lượng còn giá lại giảm như: sắn và sản phẩm sắn tăng 55,2% về lượng nhưng giá lại giảm 16,8%; cà phê tăng 37,9%, giảm 6,2%; hạt điều tăng 25,6%, giảm 15%; gạo tăng 13,1%, giảm 7,1%; chè tăng 10,4%, giảm 2,2%...

Hơn nữa, theo GS, TS Đỗ Đức Bình, hầu hết các nhà xuất khẩu của Việt Nam chưa  quan tâm đối với việc xây dựng, bảo hộ và phát triển thương hiệu và do đó đa số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam không có thương hiệu riêng, thậm chí trong quá khứ có thương hiệu nhưng không quan tâm đến bảo hộ và phát triển thương hiệu nên đã bị đối tác đăng ký mất hoặc nhái thương hiệu, gây ra những tranh chấp và tổn thất không đáng có.

Như vậy, xuất khẩu nói chung, xuất siêu chưa thực bền vững và hiệu quả. Một trong những nguyên nhân sâu xa, theo GS, TS Đỗ Đức Bình, là công tác quản lý và khả năng ứng xử trước thực trạng phát sinh gây hậu quả không tốt đối với xuất khẩu. Ví dụ như tình trạng thương nhân nước ngoài tự do mua hàng xuất khẩu tận chân hàng, mua chè bẩn, mua lá điều khô... trong khi đó cơ quan quản lý rất chậm chạp, thiếu khuyến cáo, định hướng hoạt động đối với các nhà sản xuất và kinh doanh Việt Nam.

Giải pháp nào tăng giá trị?

Từ thực trạng kết quả XK những năm gần đây, đặc biệt là năm 2012 lộ rõ nhiều bất cập, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy khuyến nghị giải pháp cho năm 2013 và các năm tiếp theo: phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững phải vừa mở rộng quy mô xuất khẩu, vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu; chuyển dịch cơ cấu hàng hóa XK hợp lý theo hướng từ khai thác lợi thế so sánh tĩnh sang lợi thế cạnh tranh, tập trung nâng nhanh tỷ trọng các sản phẩm XK có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến sâu; có hàm lượng kỹ năng, công nghệ cao, thân thiện với môi trường...

Đồng thời, cần có chiến lược dài hạn đặt chất lượng XK làm trung tâm, thay vì chỉ quan tâm XK những cái chúng ta có, cần có chiến lược phát triển XK dài hạn và có tầm nhìn, có trọng tâm, làm thay đổi cơ cấu XK. Cần có giải pháp và lộ trình cụ thể để hiện thực hóa chiến lược phát triển với từng ngành hàng.

Làm được điều này, không thể không hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy XK. Trong đó, Nhà nước cần định hướng và có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ để nâng giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu; hướng đến tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, cần có chiến lược phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.

Còn PGS, TS Võ Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại cho rằng, cần tăng cường tính liên kết giữa các doanh nghiệp XK Việt Nam trong ngắn hạn gắn với dài hạn để giúp nhau cùng thắng thế. Một trong những vướng mắc hiện nay của hàng xuất khẩu Việt Nam ra nước ngoài, theo GS, TS Đỗ Đức Bình, là gặp hàng rào kỹ thuật. Do đó, để vượt rào cản, một mặt cần đàm phán tìm cách để gỡ bỏ những rào cản phi lý, nhưng các rào cản hợp lý thì phải chấp nhận. Khi chấp nhận thì về phải tuyên truyền, quảng bá cho người sản xuất, đặc biệt là những người nông dân, biết những rào cản đó là chuẩn mực phải chấp hành tốt. Đồng thời, phải có sự kiểm soát tốt của nhà nước về các tiêu chuẩn hàng hóa.

TS Lê Quốc Phương thì đề xuất: để tăng giá trị gia tăng cho hàng hóa XK, cần phải phát triển công nghiệp phụ trợ, chuyển từ gia công để XK sang sản xuất để XK.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo ngành Công thương tiếp tục coi nhiệm vụ đẩy mạnh xuất khẩu là nhiệm vụ hàng đầu. Mục tiêu đề ra là hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu (khoảng 10%) năm 2013. Để đạt được mục tiêu, Thủ tướng yêu cầu ngành Công thương phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về vốn, thủ tục hành chính, thông tin thị trường để thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu; khai thác tối đa các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký; tập trung các thị trường đã có, thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, đồng thời tích cực tìm kiếm, mở rộng các thị trường mới như Nam Mỹ, Trung Đông, châu Phi.../.