Sẽ có Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ

Tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng liên quan đến nội dung về phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam. Hôm nay (18/11), ĐBQH Tô Văn Tám đặt vấn đề: Qua trả lời của Bộ trưởng hôm qua về công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của nước ta cho thấy, đến năm 2012 mới có Quyết định 12 về một số chính sách phát triển CNHT và năm 2014 mới có Quy hoạch phát triển CNHT.

Vậy việc tiếp cận vai trò, ý nghĩa, tầm quan  trọng ngành CNHT trong quá trình tổ chức thực hiện quan điểm của Đảng trong cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ, năm 1991, về CNH-HĐH để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp, theo hướng hiện đại, là còn chậm chạp. Vì thế mà CNHT chậm phát triển.

Do đó, ĐBQH Tô Văn Tám chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng rằng: Nếu đó là vấn đề, với tính cách là cơ quan giúp Chính phủ cụ thể hóa thực hiện quan điểm của Đảng về CNH-HĐH, Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Trách nhiệm của Bộ trong vấn đề này đến đâu?

Giải đáp ý kiến này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tiếp tục thừa nhận: “Đúng là việc xây dựng cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này còn chậm. Trách nhiệm của Bộ Công Thương trong vấn đề này, chúng tôi cũng đã báo cáo Quốc hội”.

Về hướng trong thời gian tới, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, “căn cứ vào ý kiến của ĐBQH, và sự cần thiết, ý nghĩa quan trọng của CNHT, chúng tôi sẽ có biện pháp để khắc phục việc chậm trễ trong xây dựng cơ chế chính sách. Trước hết, Bộ Công Thương sẽ đề nghị Chính phủ sớm xem xét dự thảo nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã trình Chính phủ. Chúng tôi cũng tha thiết đề nghị Quốc hội sớm thông qua dự án Luật về sửa một số luật thuế, trong đó có phần liên quan đến cơ chế chính sách ưu đãi phát triển CNHT”.

Xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa trên 90%

Trước đó, chiều qua, ĐBQH Nguyễn Thị Khá cũng chất vấn rằng: Về lĩnh vực phát triển CNHT, hiện nay, với chủ trương kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp nói chung, cụ thể là doanh nghiệp có vốn nước ngoài, trong lĩnh vực lắp ráp như ô tô, điện tử, điện thoại di động... thì tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam chiếm bao nhiêu phần trăm? Hiện  nay, có dư luận cho rằng, từ những con ốc vít nhỏ cũng phải nhập khẩu từ nước ngoài. Phải chăng, lĩnh vực này, đất nước ta chỉ là nơi bãi đáp để họ thuê một phần lao động phổ thông và hưởng chính sách ưu đãi đầu tư ở Việt Nam? Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến của mình về vấn đề này và Bộ trưởng có giải pháp gì cụ thể để cải thiện hơn?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: Cái chung về lĩnh vực CNHT ở ta còn nhiều hạn chế, nhưng về riêng từng lĩnh vực thì mức độ kết quả có khác nhau. Chẳng hạn, về ô tô, quy hoạch đến 2010 tầm nhìn 2020, rồi quy hoạch mới của Chính phủ phê duyệt đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 thì có mức độ tỷ lệ nội địa hóa ô tô có khác nhau.

Ô tô chở khách đến 80 chỗ, đã nội địa hóa được 40%; xe chuyên dụng đã nội địa hóa 70%; xe con mới khoảng 10%. Riêng xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa trên 90%, kể cả động cơ, mỗi năm đã xuất khẩu ra nước ngoài kim ngạch trên 280 triệu USD. Giá cả, chất lượng xe nội đã cạnh tranh được và đẩy bật hàng ngoại của một số nước láng giềng. Đây là thắng lợi của CN xe máy.

Về điện tử gia dụng có mức độ nội địa hóa 30-35%, gồm điều hòa, máy giặt, tủ lạnh...; điện tử tin học thì còn thấp, chỉ khoảng 15%; dệt may được 50%, da giầy 60%.../.