Hội nghị được tổ chức nhằm tạo dựng môi trường phát triển công nghiệp xe máy trên địa bàn một cách bền vững và có hiệu quả giúp các doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.
Tại hội nghị, 4 hợp đồng được ký kết giữa các nhà sản xuất linh kiện với nhà sản xuất xe máy trị giá 200 tỷ đồng. Đó là hợp đồng giữa công ty Vinh Quang Hưng, sản xuất và thương mại Ngọc Lan, cơ khí Tân Hòa, CP United Motor Việt Nam với Công ty CP Tập đoàn T & T.
Trên địa bàn vùng Thủ đô Hà Nội có 12 doanh nghiệp tham gia sản xuất, lắp ráp xe máy và hàng trăm doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện. Các dòng sản phẩm chính gồm xe số giá thấp được sản xuất chủ yếu tại khu vực doanh nghiệp trong nước, xe số và xe ga giá cao sản xuất chủ yếu tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo khảo sát của Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố hình thành một hệ thống gồm hàng trăm doanh nghiệp chuyên sản xuất phụ tùng, linh kiện, vật tư cung cấp cho các nhà sản xuất, lắp ráp xe máy. Mỗi doanh nghiệp xây dựng được mạng lưới từ 70 – 100 đơn vị sản xuất linh kiện phụ tùng. Các doanh nghiệp bước đầu khai thác, hỗ trợ nhau trong sản xuất để nâng dần tỷ lệ nội địa hóa. Tuy nhiên, công nghệ gia công tạo một số doanh nghiệp công nghiệp cơ khí còn nhiều hạn chế, công suất thấp, giá thành cao, chất lượng không ổn định. Các mối liên kết giữa các nhà sản xuất chủ yếu theo ngành dọc hoặc theo chủ quản lý, do mối quen biết cùng bỏ vốn đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Vì vậy, sẽ hạn chế trong việc khai thác thế mạnh của mỗi doanh nghiệp, chia sẻ và khai thác thị trường của nhau trong cùng địa bàn. Một mặt, sẽ hạn chế việc đầu tư phát triển chuyên sâu giữa các doanh nghiệp, thành phần kinh tế./.