Ngành công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước, thực tế cho thấy đây là một trong những ngành mũi nhọn thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn, nếu không nhanh chóng có giải pháp phát triển lĩnh vực này sẽ bỏ lỡ cơ hội mà Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại một khi Hiệp định được ký kết.

congnghiephotro_kgqf.jpgGần đây nhiều triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được tổ chức nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

Công nghiệp hỗ trợ bao gồm các ngành sản xuất từ nguyên vật liệu đến gia công chế tạo các sản phẩm, phụ tùng, linh kiện, bán thành phẩm…cung cấp cho ngành công nghiệp lắp ráp. Theo các chuyên gia kinh tế, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả thu hút đầu tư từ nước ngoài.

Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ góp phần giảm nhập siêu do nhập khẩu linh kiện, phụ tùng và thay vào đó là sản phẩm chế tạo trong nước; tận dụng nguồn lực tại chỗ để phát triển công nghiệp nói riêng cũng như hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa nói chung.

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội cho rằng: Công nghiệp hỗ trợ chính là nguồn đầu vào để hình thành và duy trì và phát triển công nghiệp chủ lực, giảm bớt vào nguồn nhập khẩu. Đây là ngành quan trọng để tăng cường sức cạnh tranh cho sản phẩm ngành công nghiệp để chúng ta hình thành một quá trình phát triển ngành công nghiệp. Ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển thì mới kêu gọi được FDI phát triển được.

Đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ có vai trò đặc biệt quan trọng để thúc đẩy phát triển nhiều ngành công nghiệp trọng điểm như điện - điện tử, lắp ráp ôtô - xe máy, dệt may…Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển ngành công nghiệp này vẫn còn nhiều khó khăn về cả quy mô, khả năng liên kết, tiềm lực tài chính lẫn trình độ công nghệ…

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: trong 6 tháng đầu năm nay, nước ta vẫn phải nhập khẩu trên 90% tư liệu sản xuất từ Trung Quốc gồm: máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, phụ liệu…Nguyên nhân của thực trạng này do ngành công nghiệp phụ trợ không đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu, phụ liệu cho sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Huyên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) cho biết: ngành công nghiệp hỗ trợ hiện vẫn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư do các chính sách hỗ trợ còn thiếu và chưa đủ mạnh. Thêm vào đó, phát triển công nghiệp cần nhất là vay vốn dài hạn để đầu tư cho sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong khi hiện nay doanh nghiệp vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn này.

Theo phân tích của ông Huyên, các mặt hàng hỗ trợ đã sản xuất ra phải mấy năm sau thì mới chào hàng và bán được hàng. Trong khi vay vốn, các ngân hàng thương mại chỉ cho vay vốn chủ yếu là ngắn hạn, còn trung hạn và dài hạn ít. Vì vậy Chính phủ cần hạ lãi xuất, cần tạo nên một Quỹ để doanh nghiệp vay. Nếu doanh nghiệp có cơ sở sản xuất hiện đại, công nghệ cao có thể làm ra ngay sản phẩm cần vốn thì cần tạo điều kiện để doanh nghiệp được vay vốn để phát triển..

Để giải quyết những khó khăn này, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư đang hoàn chỉnh đề án xây dựng cụm liên kết các sản phẩm chủ lực của Việt Nam trên quy mô lớn để nâng cao tính cạnh tranh. Tiếp đó là hỗ trợ các doanh nghiệp về tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu, quản trị kinh doanh. Về tài chính, thời gian tới Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ ưu tiên hỗ trợ cho các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại.

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ cung cấp một số dịch vụ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực quản trị kinh doanh, quản lý tài chính, xây dựng thương hiệu, kỹ năng thông tin thị trường... Tập trung nguồn lực cho một số ngành và lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế phát triển của một chuỗi giá trị của sản phẩm nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh”.

Mới đây, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã cam kết cho vay 70% giá trị dự án cho doanh nghiệp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Theo đó sẽ hỗ trợ lãi suất 10,5% trong 12 năm vay vốn cho các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng. Ngân hàng Tiên Phong cũng sẽ dành số vốn khoảng 1 nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ với lãi suất 8%/năm… Đây là cơ hội để doanh nghiệp có nguồn vốn, với lãi xuất ưu đãi thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển thời gian tới. /.