"Cơn sốt" đắp mặt nạ dưỡng da ở Hàn Quốc đã giúp một số doanh nhân tại quốc gia này giàu lên nhanh chóng và tích lũy được khối tài sản hàng tỷ USD. Không những vậy, thị trường tiềm năng tại đây cũng đã thu hút sự chú ý của các ngân hàng và nhà sản xuất mỹ phẩm lớn trên khắp thế giới.
Mặt nạ vừa làm da đẹp vừa giúp... làm giàu. (Ảnh minh họa: Bloomberg) |
Ngoài việc là một sản phẩm giúp giữ ẩm và tẩy da chết hiệu quả, mặt nạ còn có khả năng tạo nên khối tài sản trị giá hàng tỷ USD cho các doanh nhân đến từ Hàn Quốc. Trường hợp của ông Kim Jung-woong là một trong những ví dụ điển hình.
Tháng 10/2018, ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs Group Inc. đã mua 5% cổ phần công ty mỹ phẩm chuyên sản xuất kem dưỡng, son môi và các sản phẩm làm đẹp khác GP Club Co. Ltd. của ông Kim Jung-woong với hợp đồng trị giá 67 triệu USD. Nhờ đó, định giá của công ty GP Club đạt mức 1,3 tỷ USD. Ông Kim Jung-woong và gia đình nắm giữ 95% số cổ phần còn lại.
Cũng trong tháng 10 năm ngoái, Credit Suisse Group AG đã mua khoảng 3% cổ phần của L&P Cosmetic Co., nhà sản xuất mặt nạ Mediheal, với giá khoảng 40 tỷ won (tương đương 35,6 triệu USD).
Trước đó, vào năm 2017, Unilever cũng mạnh tay chi 2,27 tỷ euro (tương đương 2,6 tỷ USD) để mua lại phần lớn cổ phần của công ty Carver Korea chuyên sản xuất sản phẩm chăm sóc da của nhà sáng lập Lee Sang-rok. Nhờ đó, tài sản của ông Lee Sang-rok tăng vọt lên khoảng 900 triệu USD, theo chỉ số Bloomberg Billionares Index.
Theo Cơ quan xúc tiến đầu tư thương mại Hàn Quốc, quốc gia này là nhà xuất khẩu mỹ phẩm lớn thứ sáu thế giới năm 2017. Hàn Quốc thu về 4,6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu mỹ phẩm trong 9 tháng đầu năm 2018, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.
Số lượng tỷ phú tự thân ở Hàn Quốc không nhiều. Theo chỉ số tài sản của Bloomberg, trong danh sách 500 người giàu nhất thế giới, chỉ có 2 trong số 7 người Hàn Quốc là tỷ phú tự thân. Các tập đoàn kinh doanh gia đình, hay chaebols, đã gần như thống trị nhiều ngành công nghiệp, khiến các đối thủ cạnh tranh đơn lẻ khác không còn chỗ đứng. Thế nhưng, ngành công nghiệp mỹ phẩm lại là ngoại lệ.
Tại Sân bay Quốc tế Incheon, điều đầu tiên thu hút sự chú ý của các du khách nước ngoài khi đặt chân tới Hàn Quốc là những màn hình rất lớn hiển thị quảng cáo cho sản phẩm của các công ty mỹ phẩm ít tên tuổi, thay vì tên của các "ông lớn" như Samsung hay những thương hiệu lớn khác./.