Ngân hàng Thế giới (World Bank) hôm qua (10/6) vừa công bố báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu (Global Economic Prospect), cập nhật tình hình kinh tế thế giới cũng như đưa ra dự báo về tăng trưởng của các nền kinh tế trong năm 2014, trong đó có Việt Nam.

ix5poym2yqjc_tpjn.jpg 

Theo WB, Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm 2014 và 5,6% trong năm 2015 (Ảnh: KT)

Theo đó, World Bank vẫn giữ nguyên dự báo cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm 2014, giống với con số mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 4. World Bank cũng dự báo tăng trưởng trong 2 năm 2015 và 2016 sẽ lần lượt ở mức 5,6 và 5,8%. Với dự đoán này, Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng đứng thứ 9 trong 14 nước Đông Á – Thái Bình Dương.

Theo báo của của World Bank, tăng trưởng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tiếp tục giảm xuống mức bền vững hơn, sản lượng tăng 7,2% trong năm 2013, thấp hơn so với mức 7,4% năm 2012 và kém 2 điểm phần trăm so với mức trung bình của khu vực thời kỳ trước khủng hoảng.

World Bank cũng hạ thấp mức dự báo tăng trưởng kinh tế các nước đang phát triển xuống 4,8% cho năm nay trong khi mức dự báo đưa ra hồi tháng 1/2014 là 5,3%.

“Tỉ lệ tăng trưởng tại các nước đang phát triển vẫn ở mức thấp đã không tạo đủ số việc làm cần thiết để cải thiện cuộc sống của 40% số người thuộc diện nghèo nhất”, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới, ông Jim Yong Kim nói. “Các nước cần phải tăng tốc và đầu tư nhiều hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu trong nước thì mới có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế tổng thể và đủ mức xoá nghèo cùng cực ngay trong thế hệ hiện tại”.

Tuy nhiên, báo cáo cũng đánh giá cao triển vọng  kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Khu vực này sẽ vẫn tiếp tục phản ánh các yếu tố tác động trái ngược như điều chỉnh nội địa, điều kiện tài chính biến động, khủng hoảng chính trị tại Thái Lan và quá trình phục hồi khó khăn nhưng bền vững về xuất khẩu toàn cầu. Dự tính mức tăng trưởng chung toàn khu vực sẽ giảm không đáng kể xuống mức 7,0% vào năm 2016, khoảng 2 điểm phần trăm thấp hơn mức trước khủng hoảng nhưng về cơ bản tương xứng với tiềm năng.

Đối với thị trường trái phiếu, chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ của các nước trong khu vực đã giảm xuống, phản ánh những yếu tố cơ bản đã được cải thiện. Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất với chênh lệch giảm khoảng 200 điểm so với mức đầu năm 2013, phản ánh lạm phát thấp hơn và các điều kiện tài chính đã ổn định (trong đó có xử lý nợ xấu)./.