Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa công bố báo cáo Đánh giá khung tài chính cho cơ sở hạ tầng địa phương Việt Nam. Với mục tiêu GDP đạt 300 tỷ USD đến năm 2020, trong đó vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng chiếm 10 - 11% thì ước tính mỗi năm, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để đầu tư cho lĩnh vực này.
Trong giai đoạn 2016-2020, tổng nhu cầu vốn sẽ vào khoảng 2.200-2.300 nghìn tỉ đồng. (Ảnh: KT) |
Theo ước tính của WB (2009), mức thiếu hụt tài trợ hàng năm là 9 tỷ USD, với nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng 25 tỷ USD hàng năm (hơn 20% GDP), trong khi lượng vốn tài trợ sẵn có hàng năm từ cả khu vực nhà nước và tư nhân chưa đạt tới 16 tỷ USD. Gần một thập kỷ trước, mức thiếu hụt hàng năm dự kiến chỉ ở mức 2,1 tỷ USD (Ngân hàng Thế giới 1999) - cho thấy xu hướng không bền vững rõ ràng thể hiện ở mức tăng hơn mười lần trong thiếu hụt đầu tư chỉ trong vòng một thập kỷ.
Báo cáo của WB nêu rõ tình hình đầu tư cơ sở hạ tầng của TP HCM, Quảng Ninh và Quảng Nam.
Ở TPHCM, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng giai đoạn 2011-2015 dự kiến gần 315.000 tỉ đồng, với thiếu hụt khoảng gần 185.000 tỉ đồng (59%).
Nhu cầu thực cho đầu tư cơ sở hạ tầng ở Quảng Ninh là hơn 49.000 tỉ đồng, và 842 triệu đô la Mỹ, với mức thiếu hụt khoảng 88% cho phần nhu cầu bằng tiền đồng, và 100% cho phần nhu cầu bằng đô la Mỹ.
Tỉnh Quảng Nam có nhu cầu thực tế đầu tư cơ sở hạ tầng là gần 7.000 tỉ đồng, mức thiếu hụt tài trợ khoảng 34%.
Báo cáo cho biết, tính đến cuối thập kỷ vừa qua, cả nước có 1 triệu ô tô và 20 triệu xe máy, so với 450.000 ô tô và 6 triệu xe máy trong thập kỷ trước đó.
Hiện nay, hệ thống giao thông đang lâm vào cảnh tiêu cực - tắc nghẽn và ô nhiễm, đặc biệt tại Hà Nội và TPHCM.
Báo cáo cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, tổng nhu cầu vốn sẽ vào khoảng 2.200-2.300 nghìn tỉ đồng.
Ngoài ra, sự phân tán trong đầu tư vào cơ sở hạ tầng dẫn đến sự trùng lặp và lãng phí, và là nguyên nhân sâu xa của tình trạng đầu tư thiếu hiệu quả. Trong cơ cấu hành chính phân quyền cao ở Việt Nam, chính quyền trung ương chịu trách nhiệm đối với các dự án cơ sở hạ tầng cấp nhà nước (như các dự án quốc lộ), trong khi chính quyền địa phương cũng có vai trò lớn trong phát triển cơ sở hạ tầng.
Theo Báo cáo Phát triển Việt Nam 2012, Việt Nam có gần 260 khu công nghiệp (KCN) đang được xây dựng hoặc sắp hoàn thành, 18 đặc khu kinh tế (ĐKKT), 24 cảng biển sâu và nhiều cảng biển khác dự kiến được xây dựng, và 20 cảng hàng không đang hoạt động cùng một số khác trên kế hoạch - những con số này là quá cao so với quy mô của nền kinh tế Việt Nam. Tương ứng với tình trạng này, tỷ lệ lấp đầy bình quân của các KCN chỉ ở mức 46%, nhiều ĐKKT chỉ có tỷ lệ lấp đầy cao hơn một chút, và tỷ lệ sử dụng cảng Cái Mép - Thị Vải chỉ chưa tới 30%. (Báo cáo Phát triển Việt Nam).
Tuy nhiên, vốn từ ngân sách Nhà nước, vốn viện trợ phát triển (ODA), trái phiếu Chính phủ... thường chỉ đáp ứng 50-60% nhu cầu. Bên cạnh đó, những nguồn vốn này thường bị hạn chế bởi mức trần thâm hụt ngân sách và giới hạn nợ công quốc gia.
Do vậy, việc thu hút vốn từ khu vực tư nhân và thị trường bên ngoài gần đây đã được Chính phủ tính đến, như việc thu 700.000 tỷ đồng từ người sử dụng cơ sở hạ tầng (phí giao thông, phí sử dụng nước...); 1,7 triệu tỷ đồng từ đối tác tư nhân trong nước và quốc tế, theo đánh giá của WB. Song, lượng vốn này chưa đủ để giải quyết những thách thức Việt Nam đang gặp phải.
Để giải quyết các vấn đề trên, các chuyên gia quốc tế khuyến nghị Việt Nam cần có những cơ chế tài chính hiệu quả hơn để khơi thông các nguồn lực, điều phối hợp lý các nguồn thu ngân sách trung ương và địa phương, giữa các tỉnh thành với nhau.
Riêng với địa phương, báo cáo đề xuất hình thành một Quỹ Phát triển Địa phương (MDF) cho các đô thị hạng hai. Quỹ này sẽ đóng vai trò như chủ thể cho vay thứ cấp và cải thiện môi trường huy động vốn qua trái phiếu đô thị. Song để phát triển hiệu quả công cụ này, các địa phương cần nâng cao tính minh bạch, giải trình để tạo thuận lợi cho việc thực hiện và triển khai sau này./.