Ngày 13/1, tại Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, TP Cần Thơ, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND thành phố tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng gạo đầu năm 2021 của Việt Nam đi Malaysia và Singapore với khối lượng 1.600 tấn. Đây là hai thị trường thuộc nhóm 10 nước có kim ngạch lớn nhất trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ luôn ủng hộ các DN, các địa phương xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng và an toàn. Năm qua, ngành hàng lúa gạo đạt được kết quả quan trọng, giá trị xuất khẩu gạo tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây, điều này chứng tỏ cơ cấu giống được cải thiện, giống chất lượng cao, lúa thơm, đặc sản hiện nay đang chiếm hơn 85% cơ cấu giống.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhận định, xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục tăng, ngoài các thị trường truyền thống thì các thị trường tiềm năng sẽ có nhiều khởi sắc. Vì vậy, các địa phương, DN cần quan tâm đến phát triển các sản phẩm nông sản hữu cơ, nông sản sạch vừa mang giá trị kinh tế cao, vừa đảm bảo yếu tố thân thiện với môi trường.
Đồng thời, cần tăng cường chế biến để tạo giá trị gia tăng và tận dụng tốt nhất ưu đãi thuế quan nhờ các Hiệp định thương mại tự do hiện nay đối với các mặt hàng nông sản. Bên cạnh đó, cần phải liên kết chặt chẽ giữa người dân, DN, hợp tác xã và chính quyền địa phương để mở rộng thị trường xuất khẩu, khẳng định giá trị gạo Việt.
“Cần tiếp tục liên kết chặt chẽ, thực chất, toàn diện với bà con nông dân, địa phương và hợp tác xã, thực sự tạo ra chuỗi giá trị, qua đây nâng cao được năng suất, chất lượng, giảm được giá thành sản xuất, tăng tính cạnh tranh để gạo Việt Nam đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nước nhập khẩu, cũng như nâng cao vị thế và giá trị của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh mong muốn.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, công ty đã tiên phong trong nghiên cứu, đầu tư nguồn lực, đổi mới công nghệ, trang thiết bị hiện đại, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, sản phẩm hữu cơ phát triển các sản phẩm chế biến sâu đáp ứng quy định của thị trường, khẳng định chất lượng, tạo vị thế vững chắc trên trường quốc tế.
Năm qua, số lượng gạo xuất khẩu không tăng nhưng giá trị tăng cao nhất trong nhiều năm, đây là sự nỗ lực vượt bậc của ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Ông Phạm Thái Bình thông tin, đợt này Công ty xuất khẩu sang thị trường Malaysia với 1.150 tấn gạo và Singapore 450 tấn với giá bán gạo thơm Jasmine 680 USD/tấn và gạo Thơm Lài có giá 740 USD/tấn.
“Năm 2021, một số DN thuộc Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đã ký nhiều hợp đồng với thị trường châu Âu và một số thị trường thuôc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Lãnh đạo Hiệp hội lương thực Việt Nam cũng đã tập trung bàn sâu, nhiều vấn đề cho các DN nâng cao chất lượng hạt gạo Việt Nam, từ đó đáp ứng tiêu chuẩn cho tất cả các hiệp định thương mại tự do”, ông Bình cho hay.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VFA nhận định, nhu cầu gạo của thế giới trong năm nay sẽ cao hơn so với nguồn cung. Điều này, dự báo ngành lúa gạo Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công. Trong thời gian tới, VFA tiếp tục chú trọng đến phát triển những thị trường gạo chất lượng cao và khó tính như châu Âu, Australia, Mỹ, Canada...
“Việc thay đổi giống lúa trong các năm qua được thực hiện bài bản, để đến năm 2020 đã được các thị trường chấp nhận ở mức giá cao. Nhiều sản phẩm gạo cao cấp của Việt Nam đã hơn hẳn Thái Lan trong suốt thời gian dài. Điều này chứng tỏ chủ trương thay đổi giống lúa, an toàn VSTP được thực hiện tốt từ Nhà nước đến cộng đồng, từ DN tới người dân đã phát huy hiệu quả tốt”, ông Kiên khẳng định.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, năm 2020 mặt hàng gạo là điểm sáng trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu khi giá trị xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh. Đặc biệt, giá gạo liên tục tăng là dấu mốc lịch sử quan trọng trong khoảng 10 năm qua.
Năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,15 triệu tấn với giá trị ước đạt trên 3 tỷ USD, tăng hơn 9% về giá trị mặc dù khối lượng gạo xuất khẩu giảm khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019. Để có được kết quả này, nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ Nông nghiệp, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân vượt qua các khó khăn, thách thức từ hạn mặn, thiên tai, dịch Covid-19 trong năm 2020./.