Ngày 1/11, Đoàn Công tác của Ủy ban Nghề cá Nghị viện châu Âu làm việc tại thành phố Hải Phòng, kiểm tra việc thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) theo khuyến nghị ủa Ủy ban châu Âu (EC).

Hải Phòng hiện có trên 2.000 tàu khai thác thủy sản, trong đó trên 700 tàu khai thác xa bờ, công suất từ 90 sức ngựa trở lên. Thực hiện khuyến nghị về việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) của Ủy ban châu Âu (EC), thành phố Hải Phòng đã tăng cường  thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác trên biển, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

vov_nghe_ca_1_ktsr.jpg
Đoàn kiểm tra, tìm hiểu thực tế tại Cảng cá Ngọc Hải - quận Đồ Sơn (Hải Phòng).

Từ những biện pháp quyết liệt của thành phố, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân đã được nâng lên; việc sử dụng ngư cụ bị cấm trong khai thác hải sản đã giảm đáng kể; Việc giám sát tàu ra vào cảng, việc tiếp nhận thông tin, theo dõi hành trình, vị trí tọa độ của các tàu khai thác thủy sản xa bờ cũng được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.

Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cho biết: “Thành phố luôn quan tâm, tạo thuận lợi cho ngư dân phát triển sản xuất, trên cơ sở tuân thủ pháp luật và thông lệ quốc tế. Thông qua chuyến thăm này, chúng tôi mong muốn Đoàn Ủy ban Nghề cá Nghị viện Châu Âu thấy được, đất nước Việt Nam cũng như thành phố Hải Phòng đã và đang thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị, xã hội và người dân trong việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định trên toàn vùng lãnh thổ; xây dựng và phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, phù hợp các quy định của quốc tế”.

Đoàn gặp gỡ, trao đổi với các ngư dân tại Cảng cá Ngọc Hải.

Đoàn công tác của Ủy ban nghề cá Nghị viện châu Âu đã tìm hiểu tình hình thực tiễn tại Cảng cá Ngọc Hải (quận Đồ Sơn) và cơ sở nuôi tôm theo quy trình VietGAP tại quận Dương Kinh. Ông Mato Gabriel, Nghị sĩ Nghị viện châu Âu, Người phát ngôn Ủy ban nghề cá Nghị viện châu Âu khẳng định, qua chuyến công tác này, các thành viên trong đoàn đã thấy được sự quyết tâm của các ngành chức năng và ngư dân Việt Nam trong việc giảm thiểu và chấm dứt các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp theo khuyến nghị của EU.

“Ở Việt Nam, các bạn đã thay đổi chính sách, sửa đổi luật để đảm bảo phòng chống đánh bắt cá bất hợp pháp. Điều quan trọng là làm sao thực hiện được những điều đó. Đánh cá là một nghề truyền thống, đôi khi để thay đổi thói quen của các ngư dân không phải là việc làm một sớm một chiều mà là một quá trình. Tôi tin rằng, với sự quyết tâm của Chính phủ và các bộ ngành của Việt Nam, việc làm này sẽ có một kết quả tốt đẹp”./.