>> Việt Nam coi các nhà đầu tư nước ngoài là bạn / Thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam - Rumani

Tại buổi họp báo công bố cuốn Sách Trắng chiều 25/11, ông Alain Candy, Chủ tịch Phòng thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục hút các doanh nghiệp (DN) châu Âu.

Sách Trắng 2011 nêu rõ nhiều tiến bộ đã đạt được trong việc cải thiện khung pháp lý và cơ sở hạ tầng. Về cải cách hành chính, Sách Trắng 2011 công nhận đã có những tiến bộ nhưng cũng chỉ ra những gánh nặng hành chính mới đáng ngại trong năm 2010. Sách Trắng 2011 một lần nữa khuyến khích chính phủ tập trung vào các vấn đề cơ cấu nòng cốt để tăng hiệu quả và khả năng cạnh tranh trung và dài hạn.

Cũng theo ông Alain Candy, một trong những điểm cốt yếu giữ chân các DN châu Âu tiếp tục đầu tư vào Việt Nam là Việt Nam liên tục thông qua các luật, nghị định và thông tư mới để thực hiện các cam kết WTO. Cụ thể: EuroCham hoan nghênh việc Việt Nam đã kết hợp hồ sơ xin cấp mã số thuế và giấy phép kinh doanh. Chính phủ đã ban hành Nghị định 102, quy định DN đã thành lập ở Việt Nam có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49% vốn điều lệ được áp dụng điều kiện đầu tư, kinh doanh như đối với các nhà đầu tư trong nước.

eurocham.jpg
Eurocham đánh giá cao sự cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam

EuroCham cũng đánh giá rất cao Quyết định 71 năm 2010 của Thủ tướng về quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Nhưng theo ông Alain Candy,  các DN châu Âu đang hoạt động ở Việt Nam lo ngại cơ sở hạ tầng đường bộ và cảng biển vẫn là một thách thức lớn của Việt Nam dù đã được cải thiện nhiều. Trong 5-10 năm tới, Việt Nam cần đến 120 tỉ USD để đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Đây là con số không hề nhỏ. Các DN châu Âu tại Việt Nam hy vọng các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam sẽ đạt hiệu quả hơn khi áp dụng hình thức hợp tác theo đối tác công tư.

Song, Việt Nam vẫn chưa thực hiện phê duyệt một cửa đối với cấp phép đầu tư. Có dự án phải mất đến sáu tháng để nhận được giấy phép. Do vậy, EuroCham kiến nghị Việt Nam nên rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư bằng cách doanh nghiệp chỉ đến một cơ quan thay vì đến nhiều cơ quan đầu tư, thuế… như hiện nay.

Ông Alain Cany cho biết: “Chúng tôi tin rằng đây là lúc chính phủ nên tập trung giải quyết các rào cản căn bản đang cản trở khả năng cạnh tranh của Việt Nam như nâng cao chất lượng lao động, cải thiện cơ sở hạ tầng và cung cấp năng lượng, khuyến khích các chương trình Hợp tác Công tư và tiếp tục các cải cách pháp lý và hành chính. Hơn nữa, cải cách cơ cấu để tăng tính hiệu quả của nền kinh tế vẫn phải là một ưu tiên trong lịch trình của Việt Nam, cụ thể trong việc cổ phần hóa các công ty quốc doanh”.

Tại cuộc họp báo, Giám đốc điều hành EuroCham, tiến sĩ Matthias Dühn cũng nói thêm: “Việt Nam cần hiện đại hóa nhiều hơn nữa về đường xá, cảng biển, nhà máy điện và các cơ sở hạ tầng khác để duy trì sự phát triển kinh tế trong thời gian dài hơn. Việt Nam cũng cần khuyến khích một “văn hóa cải tiến” đánh giá tính sáng tạo, các suy nghĩ đổi mới, các ý tưởng mới, công nghệ và giải pháp đem lại giá trị gia tăng. Nếu không có cái đó, Việt Nam sẽ có rủi ro rơi vào cái bẫy của thu nhập trung bình, không thể trở thành nền sản xuất tập trung vào giá trị gia tăng và các sáng kiến cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu từ một nền kinh tế dựa trên mức lao động thấp và các phương pháp sản xuất với công nghệ thấp”./.