Giải thích về việc hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế, KDI cho biết trái với kịch bản dự báo hồi tháng 5, dịch Covid-19 lại đang lây lan nhanh hơn khi bước sang nửa cuối năm, dẫn tới tỷ lệ tăng trưởng kinh tế năm nay nhiều khả năng sẽ thấp hơn nhiều so với mức dự báo.

Ban đầu, KDI dự báo xu hướng lây lan dịch Covid-19 sẽ chậm lại từ nửa cuối năm, nhưng tình hình lại diễn biến khác với dự đoán.

Bên cạnh đó, mâu thuẫn giữa hai cường quốc Mỹ-Trung đang ngày một trở nên sâu sắc hơn, được cho là sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế Hàn Quốc trong nửa cuối năm, do Hàn Quốc có mức độ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu.

Cụ thể, Viện nghiên cứu phát triển dự báo tiêu dùng tư nhân sẽ giảm 4,6% trong năm nay và tăng 2,7% trong năm sau; xuất khẩu giảm 4,2% trong năm nay và tăng 3,4% trong năm 2021. Ngược lại, đầu tư thiết bị và đầu tư xây dựng được dự báo tăng lần lượt 4,2% và 1,1% trong năm nay.

Về phương hướng điều hành chính sách kinh tế, Viện nghiên cứu này đề xuất Chính phủ nên đặt mục tiêu hàng đầu là hỗ trợ phòng dịch dịch trước, tập trung bảo vệ tầng lớp yếu thế bị thiệt hại lớn do Covid-19, đẩy cao hiệu quả chi tiêu tài chính.

Lần này, KDI công bố dự báo triển vọng kinh tế nửa cuối năm sớm hơn hai tháng so với thông thường sau khi xem xét tới các yếu tố bất ổn dâng cao trong năm nay do đại dịch và xu hướng tái bùng phát dịch Covid-19 gần đây.

Như vậy, Viện nghiên cứu phát triển cuối cùng cũng đã dự báo kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng âm trong năm 2020. Hiện chỉ còn duy nhất Chính phủ Hàn Quốc là duy trì triển vọng tăng trưởng dương.

Trong khi đó, Cục thống kê quốc gia Hàn Quốc ngày hôm nay (9/9) đã công bố báo cáo "Xu hướng tuyển dụng tháng 8". Trong tháng trước, số lao động có việc làm tại Hàn Quốc là 27.085.000 người, giảm 274.000 người so với một năm trước.

Như vậy là số lao động có việc làm đã giảm 6 tháng liên tiếp kể từ tháng 3, đợt giảm dài nhất trong vòng 11 năm, sau đợt giảm kéo dài 8 tháng, từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2009, thời điểm ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, mức giảm lao động có việc làm đang có chiều hướng thu hẹp 4 tháng liên tiếp, sau khi giảm sâu nhất vào tháng 4 (giảm 476.000 người).

Cục thống kê quốc gia giải thích xu hướng tuyển dụng trong tháng 8 tương tự như tháng 7, tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kéo dài và mùa mưa dài kỷ lục. Tuy nhiên, kết quả trên chưa phản ánh tác động từ việc Chính phủ nâng giãn cách xã hội lên mức II từ ngày 16/8 do dịch Covid-19 tái bùng phát, bởi thời điểm tiến hành điều tra là từ ngày 9-15/8.

Tỷ lệ tuyển dụng lao động trên 15 tuổi là 60,4%, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất xét riêng các tháng 8 trong vòng 7 năm qua, kể từ sau năm 2013 (60,2%).

Tỷ lệ tuyển dụng lao động từ 15 đến 64 tuổi theo tiêu chuẩn so sánh của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) là 65,9%, giảm 1,1% so với một năm trước, cũng là mức thấp nhất trong 7 năm kể từ sau năm 2013 (64,8%).

Dân số tham gia hoạt động kinh tế là 27.949.000 người, giảm 267.000 người so với cùng kỳ năm 2019. Dân số không tham gia hoạt động kinh tế là 16.864.000 người, tăng 534.000 người.

Số người thất nghiệp là 864.000 người, tăng 6.000 người. Tỷ lệ thất nghiệp là 3,1%, tăng 0,1%, mức cao nhất xét riêng các tháng 8 từ năm 2018 (4%)./.