Ngày 24/7/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La ban hành Quyết định chủ trương đầu tư Dự án thủy điện Quang Huy, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. 2 ngày sau khi có Quyết định, Sở Kế hoạch và Đầu tư  đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký  đầu tư cho Công ty CP Phát triển năng lượng Việt Cường, có trụ sở tại TP Sơn La.

Doanh nghiệp này sau đó phối hợp với các sở, ngành liên quan chuẩn bị các bước đầu tư xây dựng công trình. Tuy nhiên, quá trình triển khai vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ chính quyền cơ sở và người dân vùng dự án. Bà con không nhất trí với việc xây dựng “đập thủy điện tại đầu nguồn suối Tấc, xã Quang Huy”.

Dự án Thủy điện Quang Huy được Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhất trí chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1803/QĐ-UBND, ngày 24/7/2018, với quy mô công suất thiết kế 12MW, tổng mức đầu tư gần 460 tỷ đồng; địa điểm thực hiện tại xã Quang Huy, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Theo kế hoạch ban đầu, nhà máy sẽ được khởi công, xây dựng từ quý IV/2018 đến quý III/2020.

vov_muongtac1_okgu.jpg
Cánh đồng Mường Tấc.
Ông Đinh Đức Chiến, Bí thư Đảng ủy xã Quang Huy cho biết, từ khi được thông báo về việc xây dựng thủy điện trên địa bàn xã nhà, cấp ủy, chính quyền và đại đa số hơn 1.900 hộ dân thuộc 22 bản trong xã ai nấy đều đứng, ngồi không yên, do lo ngại có thể nhà máy khi phát điện sẽ gây ra mất nước cho vùng hạ lưu, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Trong năm 2018, hai lần đại diện chủ đầu tư tổ chức họp tham vấn tại xã về các tác động trực tiếp của dự án, cấp ủy, chính quyền và người dân trong xã đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình

“Cán bộ xã cùng đoàn đại biểu HĐND đi tiếp xúc cử tri ở các bản, bà con nhân dân cũng như cử tri xã Quang Huy hoàn toàn không đồng tình ủng hộ dự án. Mọi người lo ngại khi xây dựng thủy điện Quang Huy sẽ tác động và ảnh hưởng đến đời sống của bà con nhân dân, nhất là bà con Quang Huy canh tác thuần nông, ruộng lúa 2 vụ chủ yếu đều nhờ dòng suối Tấc. Do vậy, với dự án xây dựng thủy điện Quang Huy, chính quyền xã cũng như nhân dân không ủng nhất trí”, ông Chiến nêu quan điểm.

Bí thư Đảng ủy xã Huy Thượng, huyện Phù Yên - ông Hoàng Ngọc Son cũng thông tin, theo quy hoạch, khi nhà máy thủy điện Quang Huy được xây dựng và đi vào hoạt động, sẽ có 1/2 trong số 14 bản của xã nằm trong vùng ảnh hưởng. Trong đó, 3 bản là Úm 3, Kíu 1 và Kíu 2 bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Tại các buổi làm việc ở xã, ở huyện, khi đại diện chủ đầu tư mời tham vấn về các tác động trực tiếp của dự án, tất cả những người tham dự đều bày tỏ sự không đồng thuận với chủ trương xây dựng nhà máy thủy điện. Từ thực tế các tác động và hệ quả của những nhà máy thủy điện đã xây dựng và hoạt động trước đó, gần nhất là các nhà máy thủy điện Suối Sập ở các huyện Bắc Yên, Phù Yên. Bà con rất lo ngại về nguồn nước phục vụ cho tưới tiêu và sinh hoạt, bởi theo dự kiến, khi đi vào hoạt động, nhà máy thủy điện Quang Huy sẽ tích nước 19 giờ đồng hồ và chỉ xả nước 5 giờ mỗi ngày.

Ông Đinh Văn Mờ, người dân bản Úm 2, xã Huy Thượng cho biết, trong 3 đợt lấy ý kiến của người dân ông đều được tham gia và cũng đều chuyển tải ý kiến của cử tri không nhất trí làm cái thủy điện này, bởi nước suối Tấc này nay đã quá cạn.

“Trước đây, huyện Phù Yên vì đập thủy điện Hòa Bình đã phải di dân rất nhiều, hiện nay chỉ còn một ít ruộng thôi ở cánh đồng Quang Huy. Sau này nếu làm đập thủy điện nữa, cánh đồng Quang Huy này sẽ cạn, không có nước để tưới tiêu làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân”, ông Mờ cương quyết.

Nói về việc xây dựng đập thủy điện Quang Huy, ông Sòi Bá Nhện, 74 tuổi, nguyên là Bí thư, Chủ tịch xã Quang Huy suốt hơn 20 năm khẳng định, ngày 29/12/2018, tại Hội nghị do Ban liên lạc hưu trí xã Quang Huy tổ chức xin ý kiến của toàn thể những người đã từng công tác, làm việc tại xã Quang Huy, huyện Phù Yên và tỉnh Sơn La hiện đang sinh sống tại xã Quang Huy, cả 112/112 người tham dự đều bỏ phiếu không đồng ý việc xây dựng đập thủy điện tại xã Quang Huy.

“Chúng tôi là những người sinh ra và lớn lên ở đây nên đã quá hiểu dòng suối Tấc như thế nào. Thế nên, nếu làm thủy điện thì cánh đồng Quang Huy sẽ không còn tồn tại vì không có nước. Xây dựng thủy điện dẫn đến nguy cơ người dân không những không đủ ăn mà có khi còn nghèo thêm”, ông Nhện nói.

Dòng suối Tấc trong xanh, hiền hòa nổi tiếng với câu ca “Cơm Mường Va, cá suối Tấc” vốn là nguồn nước chính cung cấp nước sinh hoạt cho hàng chục nghìn hộ dân vùng lòng chảo huyện lỵ Phù Yên, phục vụ tưới tiêu cho cánh đồng rộng lớn thứ 4 khu vực Tây Bắc (Nhất Thanh, nhò Lò, tam Than, tứ Tấc).

Dòng suối Tấc nay chỉ còn rất ít nước.
10 năm trước, phía trên đầu nguồn suối Tấc, đập thuỷ lợi suối Chiếu đã được khởi công xây dựng từ nguồn vốn của Cơ quan phát triển Pháp (AFD). Suốt những năm qua, hồ thủy lợi này đã góp phần điều hòa nước tưới tiêu cho cánh đồng Mường Tấc, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho thị trấn Phù Yên, đặc biệt là có tác dụng rất lớn trong việc điều hoà môi trường.

Trước chủ trương tiếp tục xây dựng đập thủy điện Quang Huy trên dòng suối Tấc, bà con ở 8 xã dọc con suối này không khỏi băn khăn, lo lắng, thắc mắc. Tại sao năm 2017, UBND tỉnh Sơn La lại đề nghị Bộ Công Thương bổ sung dự án, trong khi trước đó không có trong qui hoạch?

Bài học nhãn tiền từ một số công trình thủy điện vừa và nhỏ trong cả nước làm mất rừng, gây lũ lụt, hạn hán thiếu nước sản xuất có được quan tâm đúng mức, hay vì lợi ích của ai? Vì sao không lấy ý của người dân vùng ảnh hưởng trước thời điểm xin bổ sung quy hoạch, mà chỉ đến khi chuẩn bị triển khai xây dựng mới gặp gỡ dân?

Và điều đáng nói nữa là doanh nghiệp đã thiếu trung thực khi gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc với dân… Đây cũng là một trong những nội dung chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập trong các bài viết sau!./.