Tại Thành phố Hồ Chí Minh, rất nhiều công trình giao thông trọng điểm đang bị chậm tiến độ như: Dự án tỉnh lộ 10B, nút giao thông Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Dự án nâng cấp đường Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình)...  Những dự án giao thông "rùa" này đã ảnh hưởng đến đời sống người dân, an ninh trật tự và giao thông đô thị.

Nhiều năm nay, gia đình ông Phạm Văn Sáu và các hộ dân quanh khu vực cầu Xáng, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh phải sống trong môi trường ô nhiễm, nhếch nhác, nước ứ đọng xung quanh. Đây là hệ quả của việc thi công chậm Dự án xây dựng Tỉnh lộ 10B, huyện Bình Chánh. Dự án cũng cắt đi đường nước sinh hoạt chung của người dân nơi đây. Còn với giao thông thì hướng từ cầu Xáng về huyện Bình Chánh đường co hẹp như nút “thắt cổ chai”, cộng với các cột trụ, vật liệu xây dựng của dự án để tràn lan nên việc đi lại vô cùng khó khăn. Liên tiếp trong thời gian gần đây, khu vực này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông.

Ông Phạm Văn Sáu kể: “Buổi trưa hôm đó, khoảng 1 đến 2 giờ bên kia có chiếc container đã cán chết 2 người. Ở đây hôm trước cũng vậy, cũng hai người bị cán chết, ngay tại khúc cua đầu cầu”.

Không chỉ thi công chậm, gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh mà Dự án Tỉnh lộ 10B còn đội vốn 60%. Tuy nhiên dự án này vẫn xếp sau Dự án Nút giao thông Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về khả năng thi công ì ạch và cả vốn tăng thêm. Dự án nút giao thông này có nhiều hạng mục như: 8 làn xe chính, hai cầu vượt qua làn chính, hai cầu vượt cho người đi bộ…  nhằm giải quyết kẹt xe thường xuyên ở xa lộ Hà Nội, đoạn qua Suối Tiên và trước cổng Đại học Quốc gia, đồng thời giảm thiểu tai nạn tại điểm nóng này. Tuy nhiên, dự án này không biết đến thời điểm nào hoàn thành dù đã triển khai nhiều năm. Đến nay, công trình giao thông trọng điểm này đã ngốn thêm 265 tỷ đồng ngân sách thành phố, đội vốn 140%.

Ông Nguyễn Vũ Điệp, Phó Giám đốc Khu quản lý Giao thông đô thị số 2, chủ đầu tư Dự án Nút giao thông Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, đến tháng 12/2015 là phải hoàn thành dự án này. Nhưng do công tác giải phóng mặt bằng bị chậm chễ, nên đến giờ phút này hai gói thầu đường song hành chúng tôi cũng chưa hoàn thành được. Đồng nghĩa với đó, tiến độ hoàn thành vào cuối năm nay cũng sẽ không đảm bảo được”.

Nhiều dự án giao thông trọng điểm khác của thành phố cũng chung số phận chậm trễ như: Tỉnh lộ 10, đường Phạm Văn Bạch, (quận Tân Bình), đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, hay Dự án nâng cấp, cải tạo xa lộ Hà Nội… Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các dự án giao thông bị chậm trễ là do công tác giải phóng mặt bằng chậm và năng lực nhà thầu yếu.

Về thực trạng này, ông Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Chất lượng dự án đầu tư khi phê duyệt là không chặt chẽ nên xảy ra thực trạng này. Thời điểm lập dự án và thời điểm thực thi quá xa và một số trường hợp dần dần phải sửa thiết kế, biến động về tỉ giá hoặc có trường hợp do chi phí đền bù… Tuy nhiên tôi cho rằng mọi cách lý giải đều không thuyết phục”.

Đảm bảo thi công dự án giao thông đúng tiến độ đang là bài toán khó đối với cả chủ đầu tư và đơn vị thi công. Nếu không có những giải pháp mới, đồng bộ và quyết liệt hơn thì việc chi phí dự án phát sinh hay đội giá như các dự án nêu trên sẽ không có điểm dừng. Nỗ lực giải quyết các dự án giao thông chậm tiến độ là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm nay của Thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung này sẽ được đề cập trong phần 2 của loạt bài “Vì sao hàng loạt dự án giao thông Thành phố Hồ Chí Minh chậm tiến độ?”./.