Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về cơ chế hoàn vốn cho đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Thông báo kết luận nêu rõ, việc hỗ trợ đầu tư Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và ý kiến các bộ, ngành liên quan. Đến nay, nhiều cơ chế hỗ trợ do Dự án chưa được thực hiện, bao gồm việc chuyển các khoản vay nước ngoài sang hình thức vốn góp của nhà nước, hỗ trợ tiền giải phóng mặt bằng và tiền sử dụng đất, dẫn đến Dự án gặp nhiều khó khăn trong phương án hoàn vốn.

Thực tế khó khăn của dự án, chủ đầu tư đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng được ghi nhận trong thông báo kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ.

Theo chủ trương đầu tư dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (2002), Thủ tướng cho phép Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) sử dụng hơn 4.700 tỷ đồng tiền sử dụng đất khu đô thị Gia Lâm để hoàn vốn cho dự án cao tốc. Việc này đã thống nhất bằng văn bản và được 4 cơ quan là Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước thẩm định. Nhưng tới thời điểm này chủ đầu tư vẫn chưa nhận được khoản tài chính này.

cao_toc_hn_hp_zcgh.jpg
Ứng hơn 4.000 tỷ đồng trả chủ đầu tư đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Để tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư, Phó Thủ tướng giao Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam căn cứ ý kiến các bộ hoàn thiện lại Tờ trình. Trong đó, lưu ý về tiền sử dụng đất Khu đô thị Gia Lâm: Luật ngân sách nhà nước năm 2002 và năm 2015 đều quy định tiền sử dụng đất ngân sách địa phương được hưởng 100%; đồng thời, theo Luật đầu tư công, việc hỗ trợ đầu tư Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thuộc trách nhiệm của ngân sách Trung ương.

Trong khi chưa bố trí được vốn ngân sách Trung ương theo quy định nêu trên, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục để Thành phố Hà Nội tạm ứng vốn từ tiền sử dụng đất Khu đô thị Gia Lâm, sau đó ngân sách Trung ương bố trí hoàn trả.

Về việc chuyển nhượng vốn góp và quyền góp vốn của VIDIFI, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, với trách nhiệm của người đại diện vốn của VIDIFI, phân tích kỹ điểm lợi và tính khả thi của các phương án (thoái vốn hay không thoái vốn) để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về chủ trương. Việc chuyển nhượng vốn góp và quyền góp vốn của VIDIFI phải theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, Điều lệ của VIDIFI và pháp luật có liên quan, trên nguyên tắc đảm bảo công khai, minh bạch.

Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến các Bộ: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và UBND thành phố Hà Nội, tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép họp Thường trực Chính phủ để xem xét, quyết định.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có 6 làn xe, tốc độ tối đa cho phép 120 km/h, được đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Cao tốc đi qua 4 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng với chiều dài 105 km, tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD), phần lớn vay vốn lãi suất thương mại dao động 10,5 - 11,4% trong 30 năm./.