Sau chuyến thăm Trung Đông, ngày 24/4, Tổng thống Mỹ Obama đã có mặt tại Đức để hội đàm với Thủ tướng Merkel về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, trong đó có vấn đề kinh tế, đặc biệt là vấn đề Hiệp định Thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Các quan chức chủ chốt của hai bờ Đại Tây Dương đều nóng lòng hoàn tất ký kết hiệp định vào cuối năm nay. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng khó có thể đạt được tiến độ như dự kiến vì nhiều lý do.

ttip_whfi.jpg
TTIP là HIệp định thương mại và đầu tư giữa Mỹ và EU

Kỳ vọng lớn…

Chỉ còn chưa đầy 9 tháng nữa là kết thúc nhiệm kỳ thứ hai ông Obama, nên giới quan sát cho rằng, ông sẽ tận dụng chuyến thăm Đức lần này để thúc đẩy các cuộc đàm phán TTIP đang diễn ra.

TTIP được kỳ vọng là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, tạo ra một thị trường khổng lồ với 850 triệu dân, chiếm gần 50% tổng sản lượng hàng hóa, dịch vụ và 30% kim ngạch thương mại toàn cầu, với hơn 1.000 tỷ USD/năm. Dự kiến mỗi năm có thể làm tăng thêm từ 0,5-1% GDP cho cả 2 bên và tạo ra việc làm mới cho khoảng 13 triệu người.

Theo số liệu nghiên cứu của Trung tâm châu Âu thì TTIP khi có hiệu lực sẽ có thể mang lại 119 tỷ euro (150 tỷ USD)/năm cho kinh tế EU và 95 tỷ euro/năm cho nền kinh tế Mỹ.

Ông Obama đang hy vọng cùng bà Merkel, lãnh đạo một trong những quốc gia đồng minh thân cận nhất của Mỹ, cố gắng thống nhất các điều khoản trong Hiệp định TTIP trước khi ông rời nhiệm sở vào ngày 20/1/2017.

Phát biểu tại một Hội nghị công nghiệp lớn ở Hannover với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Angela Merkel nhấn mạnh, Hiệp định TTIP là vô cùng cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Đức cũng như cho cả nền kinh tế khu vực. Nếu thỏa thuận được ký kết, hiệp định thương mại song phương này sẽ thúc đẩy cho nền kinh tế mỗi nước thêm 100 tỷ USD.

Trong khi Tổng thống Mỹ Obama bày tỏ sự vui mừng việc hai nước có thể kết thúc đàm phán về hiệp định này trong năm 2016, trước khi ông rời nhiệm sở, đồng thời một lần nữa khẳng định, Hiệp định TTIP sẽ chỉ có lợi cho thị trường lao động và các tiêu chuẩn môi trường, xã hội của châu Âu; thì bà Merkel lại khẳng định: “TTIP là một thỏa thuận mà bộ tiêu chuẩn của nó được thể hiện theo một cách rất đặc biệt. Vì vậy, tôi (bà Merkel) muốn nói rằng, chúng ta phải biết tận dụng bởi sẽ không có cơ hội nào khác. Chúng tôi thích cạnh tranh song chúng tôi cũng muốn chiến thắng”.

Nhưng chưa thể lạc quan…

Tuy nhiên, mọi việc không dễ dàng khi nhiều người châu Âu và Mỹ đang lo ngại thỏa thuận này có thể khiến họ mất việc làm và ảnh hưởng đến mức sống của họ. Các số liệu cho thấy lực lượng ủng hộ TTIP tại Mỹ và Đức đang có dấu hiệu sụt giảm.

Quỹ Bertelsmann đã tiến hành khảo sát và cho biết, chỉ có 17%  người Đức tin rằng TTIP là một tín hiệu tốt, giảm tới 55% so với hai năm trước đây. Tương tự, tại Mỹ, số lượng ủng hộ thỏa thuận là 18%, giảm đáng kể so với 53% trong năm 2014. Gần 50% số người được hỏi ở Mỹ nói rằng họ không có thông tin đầy đủ về các thỏa thuận này để đóng góp ý kiến.

Vì thế, hàng chục nghìn người đã kéo về Hannover để tuần hành phản đối TTIP nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, do lo ngại việc tham gia TTIP sẽ làm hạ thấp các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội của Đức và EU.

Tại thành phố Hannover, hàng ngàn người biểu tình đã giương cao những biểu ngữ có nội dung như: “Nói không với TTIP” và đã tuần hành trên nhiều tuyến phố để bày tỏ sự phản đối của mình đối với thỏa thuận thương mại trên.

Trước chuyến thăm Đức, ông Obama đã ở thăm Anh trong 3 ngày. Tại đây, ông kêu gọi người dân xứ sở sương mù bỏ phiếu ủng hộ nước Anh ở lại EU trong cuộc trưng cầu ý dân vào 23/6 tới. Những nhà vận động chống EU, như thị trưởng London Boris Johnson, lại cho phát ngôn của ông Obama là “đạo đức giả”.

Lãnh đạo đảng Độc lập Anh Nigel Farage cũng chỉ trích ông Obama, cho biết “thỏa thuận thương mại tất nhiên là phục vụ lợi ích các quốc gia liên quan” chứ không liên quan đến việc Anh có là thành viên của EU hay không.

Theo kết quả của một cuộc khảo sát khác do công ty nghiên cứu thị trường YouGov thực hiện cho Quỹ Bertelsmann của Đức, thì trong số 5 người Đức chỉ có 1 người tin tưởng TTIP có tác động tốt, còn trong số 3 người Đức thì có 1 người phản đối hoàn toàn. Khảo sát tại Mỹ cũng cho thấy chỉ có 15% người dân ủng hộ hiệp định này.

Bên cạnh các hoạt động trong khuôn khổ hội chợ, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Đức cũng đã tiến hành hội đàm bàn về các vấn đề cùng quan tâm. Phản ảnh của báo giới có vẻ như chuyến công du các nước đối tác của Tổng thống Mỹ Barack Obama lần này không được như kỳ vọng. Tờ Der Spiegel (Đức) nhận xét, cuộc đón tiếp Tổng thống Obama không được nồng nhiệt lắm.

Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, TTIP khó có thể cán đích vào cuối năm 2016./.