Công ty Yanmar Nhật Bản đang phối hợp với Hội nghề cá tỉnh Khánh Hòa và Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy, Đại học Nha Trang thiết kế, đóng mới tàu cá bằng vỏ composite đầu tiên để thí điểm khai thác, bảo quản cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản. Đây sẽ là một hướng đi mới giúp ngư dân đạt hiệu quả hơn khi khai thác cá ngừ đại dương.
Tại xưởng sản xuất của Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy, Đại học Nha Trang, các công nhân đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng của chiếc tàu cá composite để chuẩn bị hạ thủy vào đầu tháng 8 tới.
Chiếc tàu này có công suất 350CV, so với tàu gỗ và tàu sắt cùng công suất, thì tàu composite có nhiều ưu thế như tiết kiệm nhiên liệu hơn 30%, chi phí bảo dưỡng thấp hơn hơn, tốc độ tối đa cao hơn gần gấp đôi. Chi phí đóng mới kèm ngư cụ khoảng 8 tỷ đồng, trong khi đó tàu gỗ thì khoảng 5 tỷ đồng còn tàu sắt lên đến 10 tỷ đồng.
TS. Nguyễn Văn Đạt, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy, Đại học Nha Trang cho biết, do được áp dụng mẫu mã, công nghệ của Nhật Bản nên tàu có ưu thế nổi bật về khả năng bảo quản sản phẩm cũng như nhiều điểm khác biệt so với tàu vỏ gỗ của ngư dân.
“Khác biệt chủ yếu của con tàu này là ở hầm bảo quản sản phẩm với quy trình khác hẳn. Hầm bảo quản của tàu dùng đá xay, ngâm nước. Khi cá ngừ được câu lên sẽ được ngư dân chích tủy thay bằng việc đập chết cá bằng chày vồ, làm thịt cá nhanh hỏng. Mũi tàu có dạng quả lê khác với những tàu khác để làm việc tốt trong điều kiện sóng lớn. Hệ thống điện dùng công nghệ đèn led tiêu tốn điện năng ít”, TS. Đạt cho biết.
Dự kiến ở mỗi tỉnh sẽ lập 10 tổ, đội với 60 tàu tham gia đánh bắt cá ngừ đại dương. Sản phẩm cá ngừ tươi nguyên con sẽ xuất bằng đường hàng không đưa đến các phiên chợ đấu giá thủy sản ở Nhật, bán khoảng 10 USD/kg, cao gấp nhiều lần so với giá cá ngừ đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam hiện nay.
Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Khánh Hòa cho rằng khi tham gia đề án, ngư dân sẽ khắc phục được những hạn chế của nghề khai thác cá ngừ lâu nay.
“Hiện phần lớn bà con ngư dân vẫn dùng tàu vỏ gỗ, công nghệ lạc hậu. Sản lượng cá đánh bắt, tiêu thụ cao hay thấp vẫn phụ thuộc vào công nghệ bảo quản đảm yêu cầu của nhà nhập khẩu. Với công nghệ mới được ngư dân thực hiện, Nhật Bản sẽ bao tiêu sản phẩm với giá thành cao”, ông Lăng cho hay.
Nếu mô hình hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản khai thác cá ngừ đại dương thành công, đây sẽ là hướng đi mới, giúp ngư dân đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, từ đó an tâm bám biển./.