Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng sống của hơn 10 triệu dân, hơn lúc nào hết, cơ sở hạ tầng của Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) đang cần được xây dựng, hoàn thiện một cách cấp thiết.
Mô hình đối tác công - tư (PPP) được coi là "chìa khóa" mới của TP HCM trong phát triển hạ tầng (Ảnh minh họa: KT) |
Nhu cầu về hạ tầng ngày càng cao, vốn nhà nước cho hạ tầng có hạn. Cho nên, huy động vốn đầu tư cho hạ tầng theo hình thức đối tác công – tư (PPP) là cách mà thành phố phải tiếp tục đẩy mạnh. Thế nhưng, có nhiều vướng mắc trong đối tác công tư vẫn đang cần giải quyết mới có thể mở khóa cho hạ tầng.
Tính đến nay, TP HCM có 23 dự án đầu tư theo hình thức PPP, gồm các hợp đồng dạng: xây dựng- chuyển giao (BT), xây dựng- vận hành- chuyển giao (BOT), xây dựng- vận hành- sở hữu (BOO), đã ký kết và triển khai thực hiện, với tổng vốn đầu tư trên 71 ngàn tỷ đồng, chủ yếu trong lĩnh vực giao thông, môi trường.
Ngoài ra, 130 dự án hạ tầng khác cũng đang được thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư theo hình thức PPP với tổng vốn gần 381 ngàn tỷ đồng và 116 dự án có tổng mức đầu tư trên 136 ngàn tỷ đồng đang đưa ra kêu gọi.
Trong đó, cấp bách nhất là các dự án về giao thông, chỉ riêng giai đoạn 2016- 2020 có 189 dự án với tổng kinh phí 318 ngàn tỷ đồng mà hơn một nửa số vốn chưa tìm được nguồn. Nhưng trên thực tế, thời gian qua, việc huy động vốn tư nhân vào các dự án hạ tầng rất hạn chế. Giai đoạn 2010- 2015, tư nhân đầu tư vào kinh tế thành phố gần 60%, nhưng chỉ đầu tư 10% vào vốn phát triển hạ tầng.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải TP HCM phân tích: Nhà đầu tư trong cân đối phương án hoàn vốn phải tập trung cả chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí xây dựng dự án nên rất khó khăn. Về ưu đãi đầu tư của thành phố thì cũng thực hiện chung theo ưu đãi đầu tư chung của cả nước về thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, sử dụng đất…chưa có gì khác biệt hay là đặc thù của thành phố.
Có nhiều nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chưa mạnh dạn góp vốn theo hình thức này, như: hành lang pháp lý chưa tách bạch, cụ thể; hình thức PPP đang được điều chỉnh ở mức nghị định nên tính ổn định không cao, thủ tục đầu tư mất nhiều thời gian, quỹ đất dành để thanh toán cho nhà đầu tư không có sẵn…
Vì sao chưa có đồng vốn ngoại nào rót vào PPP giao thông?
Là doanh nghiệp đang thực hiện 2 dự án BT với thành phố, ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần LICOGI 16 băn khoăn về quỹ đất thanh toán cho các dự án BT.
"Thành phố không có quỹ đất sạch để thanh toán mà chúng tôi tự đi tìm kiếm và đề xuất. Nhà đầu tư ngoài việc ứng vốn để giải phóng mặt bằng cho dự án BT thì còn phải ứng vốn để đền bù giải phóng cho khu đất, mà thời gian đền bù giải phóng mặt bằng là bao lâu thì không hạn định được", ông Hùng bày tỏ.
Theo chuyên gia Phan Văn Trường, thì để thu hút vốn theo hình thức đối tác công- tư cho phát triển hạ tầng, TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung cần có những cam kết mạnh mẽ, bền vững để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Bởi theo ông, thu hút vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng, nhất là giao thông luôn là bài toán khó với bất kỳ đô thị nào trên thế giới. Ví dụ như, các dự án BOT thực hiện trong thời gian dài, kinh tế biến động, trượt giá mà doanh nghiệp thu lời từ thu phí, lệ phí thì cần có cam kết cho tăng phí, lệ phí hợp lý.
Ông Phan Văn Trường lưu ý: Khi đầu tư cho 1 đường cao tốc là đầu tư cho 30 năm. Vậy thì lấy gì bảo đảm cho doanh nghiệp là năm thứ 25 vẫn điều chỉnh giá phí được. Cái gì đảm bảo cho quyết định của nhà chức trách hiện nay buộc nhà chức trách trong 25 năm nữa vẫn phải theo những cam kết đó.
Riêng vốn đầu tư cho hạ tầng, từ nay đến năm 2020, TP HCM cần 500 ngàn tỷ đồng, nhưng ngân sách thành phố chỉ giải quyết được 31%. Thành phố xác định, phải đẩy mạnh chủ động kêu gọi đầu tư từ bên ngoài. Hợp tác công- tư là chủ đạo và huy động vốn theo nguyên tắc cạnh tranh để chọn nhà đầu tư tiềm lực nhất. Những công trình cấp bách mà tư nhân không đầu tư thì thành phố làm, chỗ nào tư nhân rụt rè thì ngân sách thành phố đưa vào làm vốn mồi.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP HCM cho biết, vấn đề đặt ra là phải nghiên cứu cải thiện môi trường đầu tư, đa dạng hóa hình thức mời gọi đầu tư.
"PPP không nhất thiết chỉ là BT. BT đất đai cũng chính là ngân sách nên phải qua rất nhiều quy trình. Với các hình thức PPP thì chúng tôi đang đánh giá tổng kết lại để chọn cái nào thuận lợi nhất, giảm tối đa những thủ tục đối với nhà đầu tư", ông Phong nhấn mạnh.
Trong tình hình nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng ngày càng tăng, trong khi ngân sách có hạn, TP HCM coi mô hình đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư là đòn bẩy để huy động vốn tư nhân cả trong và ngoài nước. Thành phố đang xây dựng tiêu chí từng loại dự án PPP làm cơ sở lựa chọn, chuyển đổi phương thức đầu tư công cho đúng pháp luật và đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư - cơ quan quản lý - người dân./.