Xuất khẩu tôm sang thị trường EU duy trì sức tăng trưởng cao trong nhiều tháng, ngay cả trong thời điểm xuất khẩu tôm sang các thị trường khác có xu hướng giảm sút. Nhờ đó, 11 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu tôm sang EU tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Năm vừa qua, tôm Việt Nam có nhiều lợi thế hơn so với một số nước cạnh tranh khác như Thái Lan hay Ấn Độ.

bd_bt_1_2015_dlbx.jpgNguồn: VASEP
Tôm Thái Lan chịu tác động mạnh sau những thông tin bất lợi về ngành đăng tải trên truyền thông của Anh.  Tháng 6/2014 tờ The Guardian của Anh đã đăng tải bài viết về việc ngành tôm Thái Lan, đã sử dụng lượng lớn bột cá do các tàu khai thác sử dụng lao động trái phép. Ngay sau bài báo của The Guardian, Tập đoàn bán lẻ lớn thứ hai trên thế giới Carrefour (tại Pháp) đã ngừng thu mua tôm Thái Lan từ tháng 6. Mỹ chiếm 1/4 tổng xuất khẩu tôm của Thái Lan trong khi EU chiếm 15% tỷ trọng.

Ngoài ra, năm 2014, tôm hấp và chế biến của Thái Lan xuất khẩu sang EU không còn được hưởng quy chế ưu đãi GSP nên mức thuế tăng lên 20%. Tôm nguyên liệu cũng sẽ bị mất thuế GSP 4% từ 1/2015 và Thái Lan phải chịu mức 12%.

Mặc dù thống kê về nhập khẩu tôm vào EU 8 tháng cho thấy nhập khẩu tôm Ấn Độ vào khu vực này tăng tới 83,5% và đây cũng là nguồn cung có sức tăng mạnh nhất trong nhóm 10 nước cung cấp tôm hàng đầu cho EU. Tuy nhiên, mấy tháng cuối năm, tôm Ấn Độ đối mặt với cảnh báo từ phía EU về tình trạng tôm nhiễm kháng sinh bị từ chối nhập khẩu tăng mạnh do vậy Ấn Độ khó có thể đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang thị trường này như những tháng đầu năm nay./.