Sau rất nhiều vướng mắc, công trình cầu Đông Trù bắc qua sông Đuống nối liền quận Long Biên và huyện Đông Anh đang được chủ đầu tư và các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ để có thể về đích đúng dịp chào mừng Giải phóng Thủ đô 10/10/2014.
Với quy mô lớn và yêu cầu khắt khe về công nghệ lần đầu ứng dụng tại Việt Nam, cầu Đông Trù khi hoàn thành sẽ là công trình tiêu biểu của ngành cầu đường nước ta.
Cầu Đông Trù là gói thầu chính, quan trọng nhất của toàn bộ dự án đường 5 kéo dài. Cầu dài 1.140m, nối từ xã Đông Hội (huyện Đông Anh) sang phường Ngọc Thụy (quận Long Biên), cách cầu Đuống cũ khoảng 4,5km.
Công trình được khởi công xây dựng từ năm 2006 và dự kiến ban đầu sẽ hoàn thành vào năm 2008 nhằm góp phần giải tỏa lượng giao thông liên tỉnh từ hướng Hải Phòng, Quảng Ninh đi các tỉnh phía tây và tây bắc Hà Nội.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, cầu Đông Trù cùng dự án đường 5 kéo dài đã bị chậm tiến độ, thậm chí có những giai đoạn công trường bị đình trệ. Nguyên nhân chủ yếu là do ách tắc trong công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh nguồn vốn, kỹ thuật phức tạp, thay đổi nhà thầu…
Trước tình hình đó, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã nhiều lần kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kịp thời có các giải pháp tháo gỡ về cơ chế chính sách giải phóng mặt bằng, bố trí nguồn vốn đầy đủ…
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, công trình không thể chậm hơn được nữa. Chủ đầu tư và các nhà thầu phải tập trung đẩy nhanh tiến độ, kết thúc dự án vào cuối tháng 9/2014 để kịp chào mừng kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Theo hợp đồng đã ký trước đây, Tổng Công ty Cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) tham gia dự án với tư cách nhà thầu phụ đặc biệt, chịu trách nhiệm thi công kết cấu phần trên công trình. Tuy nhiên, tháng 6/2012, nhà thầu Trung Quốc đã xin rút khỏi dự án.
Thời điểm đó, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) đang thi công cầu Châu Giang (Hà Nam) và vừa hoàn thành cầu Rồng (Đà Nẵng) có dạng kết cấu tương tự. Sau khi có ý kiến đóng góp của Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội đã giao cho Cienco1 thi công cầu Đông Trù. Thế là toàn bộ lực lượng kỹ sư, công nhân tinh nhuệ nhất của các Xí nghiệp Cầu 17, Cầu 18, Công ty Thi công cơ giới vừa hoàn thành cầu Rồng được huy động ra Thủ đô để bắt tay ngay vào việc từ tháng 4/2013.
Từ tháng 8/2013, các nhà thầu mới có thể tập trung thi công cấp tập vì giai đoạn trước đó mưa lũ triền miên. Trên công trường lúc nào cũng có khoảng 500 kỹ sư, công nhân thi công 3 ca liên tục. Vượt qua những khó khăn về thời tiết, công nghệ, đến nay mọi việc đang trở nên thuận lợi.
Sau sườn vòm tháp đầu tiên được lắp đặt thành công vào ngày 24/1/2014 phần vòm biên thượng lưu (phía huyện Đông Anh) sẽ được kết thúc trong ngày 28/2/2014. Từ nay cho đến tháng 5/2014, các sườn vòm tiếp theo sẽ liên tục được lắp để hoàn thành vượt lũ tiểu mãn 2014, trong đó có những sườn vòm nặng tới 260 tấn được nâng khỏi mặt nước ở độ cao 50m. Phải khẩn trương, quyết liệt như vậy bởi trong quá trình lắp đặt, sườn vòm thép sẽ được kê trên trụ đỡ tạm trên nền móng cọc đóng và cọc khoan nhồi, giải pháp này phải phụ thuộc vào một số điều kiện về khí tượng, thủy văn, lưu tốc dòng chảy sông Đuống.
Sau khi hoàn thành lắp sườn vòm, lực lượng thi công sẽ căng kéo cáp giằng và bơm bê tông nhồi ống vòm (dự kiến xong trước tháng 8-2014); thi công mặt cầu và hoàn thiện công trình trong tháng 9/2014.
Nhiều chuyên gia giao thông đánh giá, cầu vòm Đông Trù được kết cấu vừa bảo đảm khả năng chịu lực cho giao thông đường bộ, đường sắt đô thị còn phải có khẩu độ nhịp lớn, bảo đảm khả năng thông thuyền cho giao thông thủy trên sông Đuống. Với quy mô lớn và yêu cầu khắt khe về mặt công nghệ, khi hoàn thành cầu Đông Trù sẽ trở thành công trình xứng đáng với tầm vóc của Thủ đô và là công trình tiêu biểu của ngành cầu đường Việt Nam./.