Thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi và hải đảo, thời gian qua, Bộ Công Thương là đầu mối đã triển khai giai đoạn 1 từ năm 2015-2020 và giai đoạn 2 từ năm 2021-2025. Đây là chương trình đặc thù và cần thiết, nhằm xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, giúp thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại giữa các vùng miền, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Tại Diễn đàn kinh tế kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo năm 2022 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 5/10, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, qua hơn 7 năm thực hiện, Chương trình phát triển thương mại miền núi và hải đảo đã mang lại những kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng tại các địa bàn còn nhiều khó khăn.
“Chỉ tính riêng 5 năm (2015 - 2020), Chương trình đã thúc đẩy phát triển các sản phẩm hàng hóa có thương hiệu đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Chương trình kết nối được hơn 60 DN với trên 80 hợp đồng để đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối trong cả nước cũng như phục vụ công tác xuất khẩu”, bà Nga cho biết.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước cũng cho biết, mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021-2025 sẽ phấn đấu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đạt mức tăng trưởng 9 - 11% hàng năm; phát triển thương nhân, DN tham gia hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tăng trung bình 8 - 10% mỗi năm. Cùng với đó, xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo chuỗi tại 287 huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn thuộc 48 tỉnh/thành phố trên cả nước.
Trong các phiên thảo luận, nhiều DN đã chia sẻ những thành công, kinh nghiệm, giải pháp hỗ trợ các DN, các địa phương, đặc biệt là các giải pháp khai thác hiệu quả yếu tố đặc trưng văn hoá, dân tộc, đặc sản vùng miền, tinh hoa sản phẩm của mỗi địa phương Việt Nam để đưa vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.
Thành công từ mô hình khởi nghiệp sản xuất và phân phối các sản phẩm từ mật hoa dừa, chị Thạch Thị Chal Thi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm cho biết, ý tưởng thương mại hóa sản phẩm đặc trưng của địa phương xuất phát từ mong muốn “giải cứu” cho vườn dừa hơn 2 ha của gia đình.
“Khó khăn trong tiêu thụ trái dừa đã thôi thúc cá nhân tìm hướng đi mới bằng việc khai thác mật hoa dừa. Mô hình này đã giúp người nông dân gia tăng giá trị kinh tế lên tới 3 - 5 lần, tạo thêm việc làm cho hơn 33 hộ gia đình có thu nhập ổn định hàng tháng. Hiện sản phẩm mật hoa dừa Sokfarm của DN đã có tại nhiều thị trường trong nước và quốc tế. Kinh nghiệm cho thấy, thương mại hóa sản phẩm nếu bắt nguồn từ văn hoá địa phương, kết hợp với lợi thế vùng miền và công nghệ để khẳng định chất lượng, sản phẩm sẽ được lan toả xa hơn”, chị Thạch Thị Chal Thi chia sẻ.
Theo đánh giá của Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo những năm gần đây từng bước thay đổi, một số vùng đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Không chỉ phát triển thương mại, Bộ Công Thương còn thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ cho các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử,… tại khu vực này.
“Bằng việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển thương mại, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, Bộ Công Thương đang góp phần lan tỏa sâu rộng cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, ông Y Thông khẳng định.
Trong Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện khung pháp lý nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa có thế mạnh của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Trong đó, tập trung nghiên cứu phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng đối với hàng hóa được sản xuất khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực và kết nối thị trường cho thương nhân tham gia xuất khẩu hàng hóa của khu vực qua biên giới. Phối hợp với các địa phương và hệ thống phân phối để tổ chức các hoạt động phân phối hàng hóa phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; kết nối đưa hàng hóa là lợi thế khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo với các kênh phân phối trên thị trường cả nước.
“Để làm được điều này, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ quan tâm, bố trí nguồn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các chợ truyền thống ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đặc biệt ở những vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Cùng với đó có chính sách khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng và hải đảo, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại tại khu vực này. Các địa phương hàng năm cần bố trí một phần kinh phí nhất định từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề xuất./.