Bệnh nhân là cháu N.H.D, 11 tuổi, trú ở khu phố Uất Lâm, phường Hòa Hiệp Bắc, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, mắc bệnh ngày 26/9, ở nhà tự điều trị.
Đến chiều 29/9, người nhà bệnh nhân cho cháu D. nhập viện tại Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên vì có triệu chứng khó thở. Khi bệnh viện tiếp nhận, bệnh nhân D. đã bị sốc nặng, mạch, huyết áp không đo được, có dấu hiệu suy gan cấp. Đến chiều ngày 30/9 thì bệnh nhân này tử vong.
Ngành Y tế khuyến cáo, khi phát hiện có dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết, người bệnh nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Người dân không nên tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà.
Theo Sở Y tế tỉnh Phú Yên, đặc điểm sốt xuất huyết là sốt cao đột ngột, thường là từ 39-40 độ C kèm theo dấu hiệu da xung huyết và ửng đỏ, người bệnh thường mệt mỏi, buồn nôn, ăn uống kém.
Sang ngày thứ 3 đến ngày thứ 6, người bệnh có biểu hiện xuất huyết tự nhiên trên cơ thể như: chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu mũi, chảy máu cam, ói ra máu, đi tiêu phân đen hoặc xuất huyết âm đạo bất thường ở bé gái tuổi dậy thì. Sở Y tế tỉnh Phú Yên cảnh báo, hiện đang vào mùa mưa, là điều kiện để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát sinh, người dân nên diệt muỗi, bọ gậy để phòng, chống sốt xuất huyết.
Tại Bình Định, đến ngày 4/10, toàn tỉnh ghi nhận hơn 2.600 ca mắc sốt xuất huyết ở 11 huyện, thị xã, thành phố, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, huyện Hoài Ân, Tây Sơn và thị xã An Nhơn ghi nhận số ca mắc cao nhất. Ngành Y tế tỉnh Bình Định đã đề nghị các địa phương có ca mắc sốt xuất huyết tập trung công tác tác phòng chống dịch bệnh.
Sở Y tế tỉnh Bình Định yêu cầu các trung tâm y tế khi tiếp nhận ca sốt xuất huyết phải lập tức cử đội dịch tễ xuống tận nơi để giám sát và xử lý. Sau khi xác định được ổ dịch, trung tâm y tế phối hợp với UBND các xã, phường và các hội đoàn thể tiến hành tiêu diệt bọ gậy và phun thuốc diệt khuẩn, không để sốt xuất huyết lan rộng.
Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, thời gian qua, sự vào cuộc của các địa phương trong phòng chống dịch sốt xuất huyết chưa hiệu quả.
"Chúng ta cứ đuổi theo dịch chứng tỏ không đủ động, đặc biệt ngăn chặn nguồn phát sinh, nguồn lây. Muỗi khi nào dịch bùng phát chúng ta mới phun mà không phun dự phòng trước" - ông Giang chỉ rõ./.