Phát triển thương mại biên giới là một chiến lược phát triển kinh tế, xã hội kết hợp bảo vệ an ninh, quốc phòng hết sức quan trọng. Tính riêng trong năm 2015, tổng kim ngạch mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đạt 27,56 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2014. Trong đó, tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc chiếm khoảng 85%, tuyến biên giới Việt - Lào chiếm 4% và tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia chiếm 11%.

Cũng theo thống kê của Ban chỉ đạo thương mại biên giới, tính đến nay, trên toàn tuyến biên giới đã có 24 cửa khẩu quốc tế, 26 cửa khẩu chính, 86 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn lối mở. Đã có 28 khu kinh tế cửa khẩu đã được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và có tổng số 295 chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu.

Chưa tương xứng với tiềm năng

Hoạt động thương mại biên giới giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới đất liền trong những năm qua về cơ bản tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng khá. Điều này thực sự là  “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào các khu vực miền núi, biên giới. Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động thương mại biên giới hiện vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế chưa tương xứng với tiềm năng.

Ông Hoàng Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi (Bộ Công Thương) cho biết, trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tại một số cửa khẩu, lối mở biên giới, hàng hóa hợp pháp xuất xứ Việt Nam được mở tờ khai, làm thủ tục đầy đủ nhưng phía Trung Quốc yêu cầu chuyển tải sang xe biên mậu để đưa sang Trung Quốc theo hình thức chợ biên giới, nhằm tận dụng chính sách ưu đãi 8.000 nhân dân tệ/người/ngày của Trung Quốc. Cách làm này gây chậm trễ, bất tiện cho thông quan hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam.

tmbg1_zcal.jpg
Hoạt động thương mại biên giới đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng. (Ảnh minh họa: KT)
Mặt khác, hệ thống kho bãi tại cửa khẩu chưa đáp ứng được nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa. Hạ tầng thương mại phục vụ mua bán, trao đổi hàng hóa tại các cửa khẩu phụ, lối mở cũng chưa được cải thiện. Trong khi đó, một số hàng hóa nông sản của Việt Nam có tính mùa vụ khi mua bán, trao đổi với Trung Quốc không có hợp đồng mua bán sẵn với đối tác Trung Quốc nên luôn bị lợi dụng ép giá, nhất là thời điểm chính vụ thu hoạch.

Cũng theo ông Tuấn, trên tuyến biên giới Việt Lào, hoạt động tại các khu kinh tế cửa khẩu gặp khó khăn, lượng khách tham quan, mua sắm giảm rõ rệt chủ yếu do ảnh hưởng của các quy định mới về thuế. Bên cạnh đó, các biện pháp tạo thuận lợi cho người, hàng hóa và phương tiện qua lại hai bên biên giới còn hạn chế; việc phối hợp trong công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại gặp khó khăn do sự chồng chéo, vướng mắc trong các văn bản quy định của pháp luật và sự khác biệt trong chính sách quản lý của mỗi nước.

Một khó khăn khác tại tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia được ông Tuấn chia sẻ là các lực lượng đối lập của Campuchia tăng cường tuyên tuyền kêu gọi tẩy chay hàng Việt Nam gây tâm lý lo ngại cho các doanh nghiệp Campuchia nhập khẩu, phân phối hàng hóa của Việt Nam. Điều này khiến kim ngạch xuất nhập khẩu qua biên giới mặc dù vẫn tăng nhẹ nhưng không đáng kể và thật sự không xứng với tiềm năng của hai nước, từ đó dẫn đến hoạt động thương mại tại các khu kinh tế cửa khẩu tuyến biên giới giữa Việt Nam và Campuchia đang rất trì trệ.

Đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Nguyễn Công Trưởng chia sẻ, trong năm 2015, hoạt động thương mại biên giới tại tỉnh Lạng Sơn vẫn còn những mặt hạn chế, việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; tiến độ xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn còn chậm.

Bên cạnh đó, công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, thị trường, quảng bá sản phẩm còn nhiều hạn chế; khó khăn, tổn tại trong quá trình triển khai thực hiện các quy định hiện hành trong quản lý hoạt động thương mại biên giới; hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp.

“Phía Trung Quốc luôn linh hoạt điều tiết hàng xuất khẩu, hàng tạm nhập tái xuất của ta qua các lối mở, điểm thông quan qua các mốc mới. Trong khi đó tại Việt Nam, việc cho phép xuất khẩu, tạm nhập tái xuất qua các khu vực đó đều phải xin ý kiến Bộ Công Thương và Thủ Tướng Chính phủ. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến họat động xuất khẩu tại trên địa bàn”, ông Trưởng cho biết./.