Trả lời chất vấn  trước UBTV Quốc hội sáng nay (1/4), liên quan đến thương lái nước ngoài mua bán trái phép nông sản hàng hóa thị trường trong nước ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng, nhất là có thể các DN trong nước thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng: Trong những năm vừa qua đã xuất hiện hiện tượng thương nhân, thương lái nước ngoài thu mua nông sản, thủy sản... tại Việt Nam.

Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý Nhà nước về lĩnh vực này đã phối hợp với Bộ NN- PTNT và các cơ quan liên quan để nắm tình hình và có các giải pháp cụ thể.

Trước hết, đó là việc xem lại khung pháp lý liên quan của Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh.... Theo đó, các thương nhân nước ngoài không được tự mình trực tiếp thu mua nông sản tại Việt Nam mà muốn mua phải có đại diện ký hợp đồng thông qua cơ quan thương mại Việt Nam. Nhưng thực tế vẫn có tình trạng thương lái tự ý thu mua trên thị trường. Bộ Công Thương đã chỉ đạo kiểm tra, yêu cầu các Sở Công Thương, quản lý thị trường nắm bắt, xử lý nghiêm hành vi này.

Tình hình này đã có sự cải thiện mấy năm qua. Nhưng đến đầu 2014 lại tái diễn tình trạng. Nổi bật là thương nhân nước ngoài thu mua gom cây huyết đằng ở tỉnh Kon Tum. Đây là cây làm thuốc nam. Chúng tôi đã chỉ đạo Chi cục QLTT Kon Tom kiểm tra và đã có báo cáo rằng, thực tế không có tình trạng thương nhân nước ngoài thu mua, mà chỉ có thương nhân trong nước thu mua.

Về việc thu mua lá khoai lang ở Vĩnh Long, theo báo cáo của Sở Công Thương, QLTT Vĩnh Long, đúng là có hiện tượng thương lái nước ngoài mua với lượng lớn. Nhưng Sở đã kịp thời tuyên truyền, chỉ đạo người nào mua phải có hợp đồng, có tư cách pháp nhân. Sau đó, các thương lái đã lập tức rút khỏi thị trường, không thu mua nữa.

Về việc mua cây cu-li (làm nguyên liệu cầm máu) tại Nghệ An, Sở Công Thương, lực lượng QLTT tỉnh đã báo cáo là có hiện tượng này thật, nhưng từ 2013 về trước, còn sang từ đầu năm 2014 đến nay không có hiện tượng này.

Về thu mua thảo quả tại Hà Giang, Sở Công Thương, Chi cục QLTT tỉnh đã kiểm tra lại thì cũng không có tình trạng này trong thực tế.

Bộ Công Thương khẳng định đã kiểm tra các thông tin liên quan đến thương lái thu mua nông sản tại thị trường VN một cách nghiêm túc, cầu thị và có giải pháp xử lý nghiêm. Nhưng tình hình sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới nếu buông lỏng quản lý. Bộ Công Thương nhận trách nhiệm về việc này, đó là mặc dù có cố gắng nhưng còn xảy ra tình trạng ở chỗ này chỗ kia.

Bộ Công Thương đề xuất giải pháp: Một là, tiếp tục rà soát quy định pháp luật hiện hành để vừa quản lý tốt hơn, vừa không ảnh hưởng đến hoạt động thương mại quốc gia. Bởi vì, trong lượng kim ngạch xuất khẩu rất lớn năm 2013 vừa qua, có phần đóp góp lớn nhờ các doanh nghiêp thu mua hàng hóa tại chỗ và xuất khẩu.

Hai là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến để người dân nắm vững quy định, qua đó không tiếp tay cho các hoạt động thu mua vi phạm pháp luật. Năm 2013, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hội nghị về vấn đề này ở nhiều địa phương. Qua đó, khẳng định, người dân không có lỗi trong việc này, mà do công tác quản lý, tuyên truyền chưa tốt. Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền... để làm tốt công tác này.

Ba là, phải tiếp tục nâng cao năng lực quản lý đội ngũ thừa hành công vụ. Trước hết là lực lượng quản lý thị trường, các Sở Công Thương. Đó phải là bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức công vụ. Nếu có tiêu cực, kiên quyết xử lý ngay./.