Thời gian gần đây, tại một số địa phương lại bắt đầu xuất hiện hiện tượng người nước ngoài vào Việt Nam tiến hành hoạt động thu mua nông sản (đặc biệt là những loại khác lạ), gây bức xúc trong dư luận xã hội và ảnh hưởng xấu đến quy hoạch, tiêu thụ nông sản.
Mới đây, Bộ Công Thương có công văn yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố giám sát, kiểm tra và xử lý để kịp thời ngăn chặn hoạt động thu mua trái với quy định của pháp luật.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương về vấn đề này.
Ông Võ Văn Quyền: Chúng ta phải thấy rằng trong thời kỳ hội nhập, việc cung cầu hàng hóa nước này nước khác, dẫn đến hoạt động thu mua xuất khẩu nông sản là bình thường.
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương |
Chúng ta cũng muốn tổ chức tốt thị trường để tiêu thụ nông sản cho nông dân. Vấn đề là việc thu mua đó có đúng luật pháp hay không, có hiệu quả và tác động tích cực với nông nghiệp Việt Nam hay không.
Tôi thấy, gần đây có chuyện thu mua lá khoai lang ở Vĩnh Long, mầm thảo quả ở Hà Giang. Thực tế có nơi chuyên trồng khoai lang để thu hoạch lá, hoặc vào mùa thảo quả họ tỉa bớt hoa để cho quả tốt hơn.
Nếu việc thu mua theo đúng luật pháp và không tác động xấu đến củ khoai hoặc thảo quả thì đó là bình thường. Nhưng nếu lợi dụng để thu gom với số lượng lớn, giá bất thương, thu mua theo kiểu tận thu, đó là câu chuyện khác cần xử lý, ngăn chặn.
PV: Việc thương lái nước ngoài thuê người vào tận các làng, xã để đặt mua đủ loại hàng nông sản lạ diễn ra hàng chục năm nay, gây thiệt hại không chỉ cho nông dân mà với cả nền kinh tế và chúng ta vẫn chưa có phương án đối phó. Phải chăng là vẫn còn những khó khăn hay lỗ hổng trong quản lý?
Ông Võ Văn Quyền: Chúng ta cho phép thương nhân nước ngoài tham gia thu mua nông sản nhưng phải được cấp giấy phép. Trong mọi trường hợp, thương nhân đều không được phép trực tiếp thu mua của nông dân, không được lập trạm thu mua trực tiếp hàng nông sản.
Các hoạt động đó phải thông qua doanh nghiệp Việt Nam. Sau khi theo dõi, cơ bản thương nhân nước ngoài hoạt động tốt và góp phần tiêu thụ nông sản cho nông nghiệp Việt Nam từ gạo, cà phê, thủy sản…
Nhưng trong quá trình mở cửa có một số tổ chức, cá nhân lợi dụng con đường du lịch, chữa bệnh…tức là vào bằng nhiều cách nhưng không phải với tư cách thương nhân. Những người này tổ chức thu mua nhưng là trái phép. Đây là vấn đề cần ngăn chặn.
Trước hết, chúng tôi xử lý hành chính, phạt tiền, tịch thu hàng. Nếu hoạt động trái phép về xuất nhập cảnh thì sẽ bị trục xuất khỏi Việt Nam.
PV: Bộ Công Thương có những giải pháp nào nhằm ngăn chặn tình trạng này, thưa ông?
Ông Võ Văn Quyền: Cuối 2011 đầu năm 2012, thương nhân nước ngoài vào thu mua nông sản ở diện rộng nhiều mặt hàng, cả những mặt hàng lạ, Bộ Công Thương vào cuộc rà soát chính sách luật pháp, hướng dẫn tuyên truyền cho các địa phương, vì không phải hoạt động thu mua nào cũng hợp pháp.
Ngoài ra có sự phối hợp giữa các lực lượng, vì hoạt động thương mại này liên quan đến luật cư trú, xuất nhập cảnh, ngoại hối, du lịch...Tức là chúng ta phải đồng bộ các biện pháp để kiểm soát các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam hoạt động thương mại trái phép. Đặc biệt là cần sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp.
Doanh nghiệp và người dân nếu chỉ vì lợi ích trước mắt thì không bền vững. Khi cầu tăng đột biến và nhất thời, họ vào thu mua, nâng giá, trước mắt giá cao, tiêu thụ được nhưng sau đấy họ dừng mua hoặc ép giá.
Thu mua nhất thời như vậy có thể làm thiếu nguyên liệu chế biến hoặc phát triển nóng, mà không biết đầu ra sản phẩm như thế nào. Điều này gây thiệt hại không nhỏ. Chúng ta khuyến khích hoạt động thu mua gắn liền cả chuỗi từ sản xuất, chế biến, xuất khẩu. Phát triển bền vững mới là quan trọng.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.