Trong thảo luận tại Hội trường về Luật thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) sáng 15/11, đa số ý kiến đại biểu cho rằng việc quản lý thu nhập hiện nay còn rất lỏng lẻo, khiến nhiều người có thu nhập cao nhưng vẫn không phải nộp thuế.

Nên bỏ chế độ khoán

Đại biểu Phạm Xuân Thường - Thái Bình đề nghị với Bộ Tài chính chỉ đạo cho Tổng Cục thuế rà soát lại xem các đối tượng nộp thuế, đặc biệt là các hộ sản xuất, kinh doanh, theo báo cáo chúng ta có 3,2 triệu hộ nộp thuế theo diện kinh doanh, nhưng chỉ có 194.000 hộ nộp thuế theo luật thuế này. Việc này không phù hợp và không phản ánh đúng thực trạng hiện nay trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu chúng ta không thực hiện chế độ khoán như hiện nay mà thực hiện tính thu nhập, tôi tin chắc rằng năm sau chúng ta sẽ thu được một khoản tương đối lớn đối với các hộ sản xuất, kinh doanh này.

tien-luong.jpg

Đồng tình với việc miễn thuế cho người có thu nhập trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhưng theo đại biểu, chúng ta miễn như thế nào cho phù hợp. “Tôi ví dụ, một người lao động một tháng làm được 5 triệu thì nộp thuế 50.000 như vậy một năm nộp 600.000. Nhưng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có người sản xuất nông nghiệp và có những ông chủ và có những ông chủ thì một năm thu nhập không phải là một vài trăm triệu, mà là hàng tỷ, thậm chí còn nhiều tỷ, nhưng họ lại không phải nộp một đồng thuế nào. Đây mới là việc bất hợp lý. Tôi đề nghị nếu có thể được thì ngay trong kỳ họp này chúng ta nên điều chỉnh lại nội dung này cho phù hợp.

“Nên đánh thuế theo tổng thu nhập thực chứ không nên đánh thuế theo khoản thu nhập” - Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) nêu ý kiến. Theo phân tích của đại biểu, trong luật phân chia thu nhập thành các nguồn chịu thuế và nguồn thu nhập không chịu thuế sẽ làm xuất hiện nguy cơ trốn thuế và cơ quan thuế sẽ không kiểm soát được. Bởi vì chắc chắn trong xã hội không chỉ tồn tại những nguồn thu nhập được liệt kê trong dự thảo mà còn có nhiều nguồn thu nhập khác nữa. Đấy là chưa tính đến nguồn thu nhập mới sẽ xuất hiện cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội. Không biết pháp luật sẽ xử lý ra sao nếu đối với những nguồn thu nhập chưa có trong dự thảo.

Chia sẻ quan điểm này, Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) cho rằng: Chúng ta chỉ thu được thuế của những người làm công ăn lương, những người thu nhập không thể trốn được, còn thu nhập tự do, thu nhập khác thì không kiểm soát được, tạo bức xúc, bất công. “Chúng ta đưa bộ phận các hộ kinh doanh cá nhân, gia đình vào diện khoán và không kiểm soát được và chỉ có hơn 190.000 hộ đóng thuế, tạo bức xúc lớn”.

Về thực trạng quản lý nguồn thu, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình) cho rằng, cần có biện pháp quản lý kiểm tra hiệu quả các khoản thu nhập cá nhân của những người có thu nhập. Hiện nay, việc quản lý thu nhập của chúng ta rất yếu và không hết, nhiều khoản thu nhập không được đưa vào, không được kiểm soát, không được đánh giá, không được đóng góp.

Liên quan đến biên chế, đại biểu Cao Sỹ Kiêm cho rằng, nhiều lần chúng ta tuyên bố giảm biên chế, giải quyết vấn đề nhân sự, nhân lực nhưng lại càng phình ra, quỹ lương lại càng tăng lên, có những lãng phí vô lối. Cho nên việc tiếp tục phải khống chế, quản lý chặt chẽ việc tăng hoặc giảm biên chế là một trong những yếu tố rất tích cực để giảm chi, tăng thu ngân sách một cách tích cực và hợp lý. Đây cũng là một yếu tố để đảm bảo công bằng về nghĩa vụ đóng góp và ý thức đóng góp, trách nhiệm đóng góp làm quen với cách đóng góp của mỗi người công dân đối với xã hội.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải, việc phân chia kỳ tính thuế thành ba loại sẽ dẫn đến hệ quả là người dân phải nộp thuế theo khoản thu nhập riêng lẻ chứ không phải theo tổng thu nhập thực tế. Đây chính là một sự không công bằng bởi vì có những khoản thu nhập có giá trị âm như lãi suất chứng khoán, doanh nghiệp thu trong hoạt động kinh doanh v.v... rõ ràng người dân đã phải chịu thiệt thòi tổng thu nhập tính thuế trong thời kỳ tính thuế của họ có thể là bằng không, thậm chí có thể âm nhưng họ vẫn phải nộp thuế, chỉ vì có những khoản thu nhập tính thuế nào đó của họ mang lại giá trị dương.

Giảm trừ cho người có bệnh hiểm nghèo

Đại biểu Trần Thanh Hải (đoàn TP HCM) cho rằng, hiện nay nhà nước đang thực hiện rất nhiều chính sách phụ cấp đối với người lao động, trong đó có một số chính sách phụ cấp đã được miễn trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân. Nhưng một số chính sách khác nếu chúng ta tiếp tục để tính thuế thì thực sự đau lòng. Bởi lẽ nhà nước áp dụng với chính sách phụ cấp ưu đãi đối với những người lao động làm việc trong công việc nặng nhọc, độc hại nhằm kéo dài tuổi thọ nghề nghiệp của người lao động, nhà nước thực hiện chế độ trợ cấp khó khăn để chia sẻ với những khó khăn đột xuất của người lao động.

Đề nghị bổ sung thêm thu nhập được miễn thuế đối với các trường hợp bản thân người nuôi dưỡng bị bệnh hiểm nghèo, nhằm tạo điều kiện để những người này có thêm kinh phí điều trị bệnh kéo dài thêm tuổi thọ. Số lượng đối tượng này tuy không lớn nhưng hoàn cảnh của gia đình họ khó khăn.

Bên cạnh đó, đại biểu Cao Sỹ Kiêm cho rằng, việc tăng mức thu nhập chịu thuế, giảm trừ gia cảnh để bù đắp cho người có thu nhập còn tương đối khiêm tốn. Tuy nhiên, so với các đối tượng khác, những đối tượng không được giảm trừ thuế thì còn nhiều khó khăn. “Tôi đề nghị Chính phủ trong việc điều hành thực hiện việc này cố gắng tạo ra mọi biện pháp, tạo ra nhiều chính sách an sinh xã hội khác để đảm bảo thu nhập đỡ khó khăn, đỡ thiệt thòi cho họ” – đại biểu nói.

Đồng tình với việc giảm trừ gia cảnh khi CPI, chỉ số giá tiêu dùng, biến động trên 20%, đại biểu Lê Công Đỉnh (đoàn Long An) cho rằng Chính phủ cần có những điều tra về mức sống để xác nhận được mức tự duy nhằm có được những điều chỉnh phù hợp, hợp lý. Sau này có thể thực hiện định kỳ hàng năm, hoặc 3 năm, 5 năm.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) đề nghị xét giảm thuế thu nhập cá nhân đối với các chuyên gia làm việc tại các khu công nghệ cao và các khu công nghiệp phần mềm. Lý do đại biểu đưa ra là: Khoa học công nghệ có vai trò quyết định đến sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, khu công nghệ cao, khu công nghệ phần mềm đóng vai trò nòng cốt và cần có những chính sách khuyến khích, thu hút nhân lực. Việc giảm thuế thể hiện sự quan tâm, chính sách ưu tiên của Đảng, nhà nước, xã hội đối với những lĩnh vực ưu tiên các nhà khoa học, công nghệ, các chuyên gia công nghệ cao, công nghệ phần mềm. Để thực hiện việc này, đại biểu đưa ra 2 phương án: (i) Chính phủ hướng dẫn điều này hoặc (ii) có thể quy định cụ thể luôn mức miễn xét giảm từ 3 - 5% tương ứng với biểu thuế suất ở mỗi bậc tương ứng./.