Dư luận đang rất quan tâm tới mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân sẽ được nâng lên 6 triệu đồng/tháng, và thời hạn áp dụng là năm 2014 theo thông báo mới đây của Bộ Tài chính về những nội dung cơ bản của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) mà Bộ Tài chính trình Chính phủ để đưa ra Quốc hội điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 4 triệu đồng lên 6 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ gia cảnh áp dụng cho đối tượng phụ thuộc cũng được điều chỉnh tăng thêm 800.000 đồng, là 2,4 triệu đồng/người/tháng.

rut-tien_9-12111.jpg

Cần lưu ý thời điểm áp dụng điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân.

Bộ Tài chính cũng đưa ra phương án sửa đổi biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng với thu nhập tính thuế. Theo đó, biểu thuế mới chỉ còn 6 bậc, thuế suất cao nhất áp dụng là mức 30% cho thu nhập từ 52 triệu đồng trở lên… Thế nhưng, mức điều chỉnh này được áp dụng từ năm 2014. Đây là điều khiến nhiều người thuộc diện nộp thuế băn khoăn, vì với tốc độ lạm phát hiện nay (năm 2011 là 18,13%), rất có thể giá trị tiêu dùng của 6 triệu đồng vào năm 2014 không hơn bao nhiêu so với 4 triệu đồng của thời điểm hiện tại.

Điều đó cũng có nghĩa, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh trên thực tế lại không có mấy tác dụng đối với những người có thu nhập trung bình thấp như công nhân, viên chức... Theo ông Huỳnh Tấn Kiệt, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, với mức 6 triệu đồng áp dụng vào năm 2014 thì đối tượng bị thu nhiều nhất là người lao động trực tiếp, và thực tế với mức hiện nay cũng đang thu thuế vào phần tiền tăng ca của công nhân.

Ông Võ Văn Võ (người nộp thuế), cán bộ Trung tâm Y tế quận 3, TP.HCM nhận xét: “Mức chịu thuế này hiện nay là hợp lý, nhưng đến năm 2014 mới áp dụng thì quá lâu, tác dụng tháo gỡ khó khăn cho người hưởng lương sẽ thấp. Như tôi, khi phải đóng thuế hàng triệu đồng thì phần thu nhập tăng thêm của mình cũng chẳng còn bao nhiêu”.

Chị Đào Thị Nhâm, một người nộp thuế ở Hà Nội, cũng nêu: “Mức giảm trừ gia cảnh cho đối tượng phụ thuộc nếu chỉ tăng lên 2,4 triệu đồng/tháng thực sự không có mấy ý nghĩa, vì chi phí nuôi 1 đứa con ăn học bây giờ rất cao. Như con tôi học cấp 2, mỗi tháng phải chi khoảng 2,5 triệu đồng bao gồm tiền học phí, học thêm, học bán trú. Đó là chưa kể ăn uống và các sinh hoạt phí khác”.

Trong khi đó, còn rất nhiều người có thu nhập nhưng lại khó thu thuế vì không có cơ sở,  như các chủ trang trại, các tiểu thương… Đây là một khoảng trống trong chính sách thuế thu nhập cá nhân. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, thuế TNCN không đơn thuần là một khoản thu mà là chính sách liên quan đến đời sống của hàng triệu người lao động, đến sức dân.

Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa thu được các khoản thu từ một bộ phận những người có thu nhập cao, hoặc mức thu cũng không tương xứng với khoản thu nhập mà họ được hưởng. Trong khi lại quá chú trọng khoản thu của những người có mức thu nhập trung bình thấp như công nhân, cán bộ công chức Nhà nước…

Ông Phạm Minh Thành, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Đồng Nai nhìn nhận: “Mặc dù tăng thuế TNCN không làm ảnh hưởng đến thu bảo hiểm xã hội, nhưng khi tiếp xúc với người lao động tôi nhận thấy, bây giờ nếu cứ giữ nguyên mức giảm trừ gia cảnh 4 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế thì sẽ rất khó cho người lao động, vì thực chất thu nhập bình quân hiện nay của người lao động đã xấp xỉ mức này. Và con số 4 triệu đồng/tháng không đủ trang trải cho cuộc sống trong điều kiện giá cả tăng hiện nay”.

Việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN là việc làm cần thiết trong bối cảnh lạm phát cao hiện nay. Song, nếu lùi thời điểm áp dụng chính sách này quá xa thì giá trị thực tiễn của chính sách sẽ rất thấp./.  

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, Ủy viên ủy Ban Kinh tế của Quốc hội:  Về mức, có thể tạm coi là phù hợp, nhưng thời điểm năm 2014 dự kiến áp dụng sẽ là quá xa vời, không phù hợp thực tiễn. Khi dự thảo này được đưa ra Quốc hội, tôi sẽ có ý kiến. Vì mức giảm trừ này hiện phù hợp nhưng đến năm 2014 thì mọi thứ sẽ thay đổi nhiều và hiệu quả của chính sách trở nên hạn chế.

Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Tiền lương và tiền công, Bộ LĐ-TB&XH: Cần nhìn nhận vấn đề thuế TNCN không chỉ là một khoản thu mà còn liên quan đến sức dân. ở các nước tiên tiến, thuế được tịnh tiến theo thu nhập. Ví dụ thu nhập 10.000 đồng thì nộp thuế 100 đồng, thu nhập 100.000 đồng phải chịu thuế 20.000 đồng. Còn ở ta cần tính toán kỹ, mức nào thì sẽ có bao nhiêu người nộp vì nó còn liên quan đến sức dân.

Ông Huỳnh Tấn Kiệt, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai: Về nguyên tắc, thuế thu nhập cá nhân phải hướng đến việc tăng thu cho ngân sách và đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Chúng ta cần nghiên cứu kỹ để đưa ra những phương thức thu thuế sao cho công bằng hơn, thu được thuế từ nhiều đối tượng. Trong giai đoạn 2011 - 2015, nên áp dụng mức giảm trừ gia cảnh 8 triệu đồng/tháng là hợp lý.