Trong vài năm gần đây, Halal food - vốn chỉ dành cho những người Hồi giáo - ngày càng trở nên phổ biến tại Mỹ, với tốc độ tăng trưởng doanh thu tại cửa hàng tạp hoá là 15% và kênh siêu thị, nhà hàng là 30%.

halal_food_aowd.jpg
Nhiều người Mỹ muốn thử đồ ăn Hồi giáo

Ngành thực phẩm ở Mỹ hiện đang rộ lên phong trào ăn theo các sự kiện chính trị, trong đó có cuộc đua vào Nhà Trắng. Chẳng hạn như, hãng Sauerkraut đã được đổi ngay tên thành “bắp cải tự do” khi Mỹ lâm vào cuộc chiến tranh với Đức.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần này cũng không ngoại lệ. Trong khi chính sách của ứng viên Donald Trump không chào đón người Hồi giáo đến "miền đất hứa", doanh thu từ Halal food tại Mỹ lại tăng mạnh, không chỉ ở những khu vực người Hồi giáo. Những nhóm thanh niên Mỹ ưa thích khám phá những điều mới lạ cũng đang săn tìm loại đồ ăn này.

Biểu đồ tăng trưởng thực phẩm Hồi giáo trong vòng 52 tuần, tính đến hết tháng 8/2016

Năm 1998, khi Shahed Amanullah mở ra trang web giúp người Mỹ mua đồ ăn Halal, cả đất nước chỉ có 200 nơi bán. Ngày nay, con số này đã lên tới 7.600 địa điểm. Những xe bán đồ Halal lưu động tràn ngập trên phố, ngay cả ở những khu dân cư không thích người Hồi giáo.

So với các hãng khác, thị phần của Halal food là khá khiêm tốn nhưng phát triển nhanh hơn cả. Nielsen ước tính doanh thu của Halal food tại các cửa hàng tiện lợi và tạp hoá hoặc các mô hình bán hàng khác có quy mô tương tự trong 12 tháng tính đến tháng 8/2016 đạt khoảng 1,9 tỷ USD – tăng 15% so với năm 2012.

Tại một cửa hàng bán đồ ăn Hồi giáo tại New York

Whole Foods Market - chuỗi siêu thị thực phẩm danh tiếng của Mỹ - xếp thực phẩm của Halal food vào nhóm tăng trưởng mạnh nhất với tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm 2 con số trong 5 năm trở lại đây.

Từ năm 2011, Whole Foods Market đã cho chạy chương trình Ramadan (nghi lễ nhịn ăn sáng trong một tháng của người theo Đạo Hồi). Khi đó, hãng này bị chỉ trích không công bằng đối với ngày lễ của các tôn giáo khác. Tuy nhiên phía Whole Foods Market không hề tỏ ra nản chí và tự hào vì là người tạo ra xu hướng và được đông đảo người dân quan tâm./.

Halal food là loại đồ ăn được chế biến theo đúng quy chuẩn của Luật Hồi giáo, ví dụ tất cả các loại động vật đều phải được giết mổ theo nghi thức Hồi giáo. Đối với người Hồi giáo, việc sử dụng sản phẩm có dấu Halal trên bao bì sản phẩm là bắt buộc. Hiện nay tại các quốc gia đều có tổ chức chứng nhận Halal độc lập, trong đó có cả Việt Nam./.