Thảo luận ở hội trường về dự án Luật phí, lệ phí sáng 18/6, đa số các Đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung trong chủ trương chuyển Pháp lệnh phí và lệ phí lên thành Luật phí và lệ phí. Đồng thời, việc loại bỏ các khoản phí, lệ phí không cần thiết để giảm bớt gánh nặng, góp phần nâng cao mức sống cho người dân, đặc biệt là người dân vùng núi, vùng sâu vùng xa là hoàn toàn phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Phân cấp cụ thể ban hành danh mục phí và lệ phí

Đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh vẫn cho rằng, hiện nay đang còn tồn tại nhiều loại phí, lệ phí bất hợp lý và không cần thiết gây khó khăn cho người dân và gây trở ngại cho sự phát triển của xã hội.

Đối với việc phân cấp danh mục phí và lệ phí, Đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị cần được phân loại rạch ròi, cụ thể các loại phí, lệ phí nào do Chính phủ quy định, loại nào là do Chính phủ phân cấp cho các Bộ, ngành và địa phương. Các Bộ, ngành được quy định thu những loại phí nào, loại nào do chính quyền địa phương quy định… có như vậy sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu phân cấp không rõ ràng, thiếu minh bạch sẽ dễ dẫn đến bất cập trong quản lý và sử dụng nguồn thu từ các loại phí và lệ phí.

thu_phi_su_dung_long_le_duong_via_he_rugj.jpg
Sử dụng lòng lề đường gây mất mỹ quan đô thị. (Ảnh: KT)
Đại biểu không đồng tình chế độ thu và nộp phí và lệ phí quy định trong Luật. Luật cần quy định tất cả các khoản phí và lệ phí thu được phải nộp vào Ngân sách Nhà nước, sau đó sẽ được các cơ quan có thẩm quyền điều tiết cấp kinh phí, không để lại một phần cho các địa phương hoặc các bộ ngành. Làm như vậy sẽ công bằng hơn đối với các cơ quan thu phí trong cùng một địa phương và đồng thời tạo sự công bằng đối với tất cả các địa phương.

“Xét một cách bao quát tất cả cơ sở vật chất và chi phí lương, thù lao để tạo ra dịch vụ công đều xuất phát từ Ngân sách Nhà nước, nên quy định như vậy rõ ràng công khai minh bạch và dễ dàng quản lý”, Đại biểu Tuấn cho biết.

Không phải cứ cung cấp dịch vụ là tính thu phí

Xác định rõ quan điểm và mục tiêu xây dựng Luật phí và lệ phí, Đại biểu Nguyễn thị Quyết Tâm, Đoàn ĐBQH TP HCM cho rằng, ngoài việc công khai minh bạch phí và lệ phí cần phải quan tâm đặc biệt đến tính công bằng trong chính sách phí và lệ phí. Trong thực tiễn có một số khoản phí và lệ phí thiếu sự công bằng trong việc thu và sử dụng phí.

Ngoài ra cần hết sức quan tâm và giải quyết tốt mối quan hệ hài hòa, hợp lý giữa quyền lợi, nghĩa vụ của người dân với trách nhiệm phục vụ nhân dân của cơ quan hành chính, cán bộ công chức. Khi thảo luận luật này phải trên nguyên tắc khi nền kinh tế của đất nước phát triển, đồng thuận với nó người dân phải được hưởng chính sách tốt nhất từ sự phát triển đó, cần phải tính đến quyền lợi, lợi ích và nghĩa vụ của người dân một cách hợp lý.

“Không phải cứ cung cấp bất cứ một dịch vụ nào cũng tính đến phí và lệ phí, điều này phản cảm và không có lợi cho sự phát triển của đất nước. Nếu quan tâm đến mối quan hệ này tốt sẽ khắc phục được xu hướng lạm thu, tận thu và phí chồng phí. Tuyệt đối không được tính đến lợi nhuận khi Nhà nước cung cấp dịch vụ công, nếu muốn xã hội hóa thì phải tách ra”, Đại biểu Quyết Tâm khẳng định.

Cũng theo Đại biểu Tâm, Luật cần quy định rõ HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải được quyền quyết định một số khoản phí, lệ phí ngoài danh mục phí và lệ phí ban hành kèm theo Luật này do Quốc hội quy định; HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quyết định mức thu cụ thể đối với một số khoản phí và lệ phí mà Chính phủ quy định mức khung và được quyết định chế độ miễn giảm đối với một số khoản phí, lệ phí trong diện phí, lệ phí như Quốc hội quy định theo phân cấp.

“Tôi nghĩ này Luật này là luật chuyên ngành nếu không phân định rõ thẩm quyền của các cơ quan nhà nước Trung ương và chính quyền địa phương thì sẽ không phú hợp với điểu 102 của Hiến pháp đã quy định chính quyền địa phương được quyết định các vấn đề của địa phương do Luật định chứ không phải các văn bản dưới Luật”, bà Tâm nói.

Phí sử dụng tạm thời lòng lề đường và hè phố dễ bị lạm dụng

Tại phiên thảo luận sáng nay, danh mục phí sử dụng tạm thời lòng lề đường và hè phố được nhiều đại biểu quan tâm và đa số không tán thành. Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Bình Định cho rằng, Dự thảo Luật phí và lệ phí cần bổ sung một chương quy định các khoản phí, lệ phí ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân đã được kiến nghị nhiều nhưng chưa được thay đổi như phí sử dụng đường bộ, phí sử dụng tạm thời lòng đường lề đường, hè phố… Việc cụ thể hóa các loại phí này trong Luật không chỉ giải quyết được bức xúc của cử tri còn góp phần tăng thi cho ngân sách, các dịch vụ công được cung cấp tốt hơn.

Tuy nhiên, đối với phí sử dụng tạm thời lòng lề đường và hè phố là một vấn đề bất cập tại các đô thị lớn. Thực tế hiện nay, lòng lề đường và vỉa hè được các tổ chức cả nhân sử dụng nhưng ai thu phí? Thu có đúng quy định pháp luật hay không rất khó thống kê.

Đại biểu Cảnh góp ý, nếu nhu cầu sử dụng lòng đường, lề đường và vỉa hè là tất yếu đối với các đô thị lớn, cần phải có quy định cụ thể khu vực nào tuyệt đối không được buôn bán, khu vực nào được phép bố trí một số hoạt động kinh doanh nhỏ mà không làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Trong trường hợp cho phép sẽ thu phí sẽ phải quy định cụ thể mức thu là bao nhiêu và ai thu phí. Nếu làm tốt điều này sẽ rõ ràng minh bạch, tăng được nguồn thu chính thức cho địa phương đáp ứng được nhu cầu thực tế của xã hội, lập lại trật tự khu vực vỉa hè, tạo môi trường cảnh quan đô thị.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Đoàn ĐBQH Thừa Thiên-Huế lại cho rằng, nếu đặt ra vấn đề thu phí sử dụng tạm thời lòng đường lề đường và hè phố vô hình chung sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân kinh doanh ở lòng đường, lề đường và hè phố. Ở các thành phố lớn, nguồn thu này rất lớn, chưa đề cập đến những tuyến đường như Quốc lộ, tỉnh lộ bị người dân lấn chiếm lâu ngày lại phải bù một khoản ngân sách rất lớn để giải tỏa. Điều này vừa ảnh hưởng đến việc lưu thông đi lại, vừa làm mất mỹ quan.

“Nếu áp dụng thu phí này cần có quy định kiểm soát nguồn thu để tránh thất thu. Nếu rà soát lại, nguồn thu này sẽ rất lớn với mức thu do các địa phương, phường, xã đặt ra. Ban soạn thảo chỉ đạo làm sao để đảm bảo mỹ quan đường phố vừa đảm bảo tránh ùn tắc giao thông vừa đảm bảo được nguồn thu”, Đại biểu Nghĩa cho biết./.