Trong báo cáo Kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5 vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, Thống đốc NHNN đã cho biết điều này.

Về kết quả cơ cấu lại của từng nhóm TCTD, Thống đốc cho biết: Đối với nhóm 9 ngân hàng thương mại yếu kém cần cơ cấu lại đến nay, 8/9 ngân hàng đã hoàn thành bước đầu lộ trình cơ cấu lại theo phương án được phê duyệt, 01 ngân hàng còn lại đang được NHNN xem xét, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phương án tự củng cố, chấn chỉnh trên cơ sở có sự tham gia vốn của tổ chức tín dụng nước ngoài. Trong đó, phương án cơ cấu lại của 8/9 ngân hàng đang triển khai cơ cấu lại đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện, NHNN chưa phải áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc nào.

“Nhìn chung, các ngân hàng yếu kém đều đã và đang tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị và khắc phục các sai phạm dưới sự giám sát chặt chẽ của NHNN” – Thống đốc cho biết.

Bên cạnh việc tập trung xử lý 9 ngân hàng yếu kém, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đánh giá và xác định thêm một số TCTD yếu kém khác (02 NHTM cổ phần và 06 TCTD phi ngân hàng) và yêu cầu các TCTD này xây dựng Phương án cơ cấu lại trình NHNN phê duyệt để đảm bảo xử lý dứt điểm, căn bản các TCTD yếu kém trong năm 2013 theo đúng mục tiêu đặt ra tại Đề án cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với các NHTM Nhà nước và NHTMCP khác, Thống đốc cho biết, NHNN đang chỉ đạo các NHTM Nhà nước đã cổ phần hóa hoàn thiện phương án cơ cấu lại từ nay đến năm 2015 phù hợp với thực trạng hoạt động của từng ngân hàng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại và tiến hành cơ cấu lại tổ chức bộ máy, mạng lưới và nhân lực, xử lý nợ xấu, cơ cấu lại tài sản, điều chỉnh lại hoạt động đầu tư gắn với xử lý những sai phạm, yếu kém phát hiện qua thanh tra và tái cơ cấu của các công ty con.

Tiếp nhận phương án tái cơ cấu của 24/25 NHTMCP và đã phê duyệt phương án tái cơ cấu của 11/25 NHTMCP, đang xem xét phê duyệt phương án tái cơ cấu của 04 NHTMCP khác, chỉ đạo 09 NHTMCP bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung trong phương án tái cơ cấu và yêu cầu 1 ngân hàng còn lại (Bảo Việt) gửi phương án tái cơ cấu về NHNN theo đúng quy định.

NHNN cũng tạo điều kiện và khuyến khích các TCTD nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của các TCTD Việt Nam, đặc biệt là các TCTD yếu kém để cơ cấu lại các TCTD này; trình Chính phủ Nghị định quy định về việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các NHTM, trong đó có thể xem xét cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu trên 20% vốn điều lệ của các NHTM; chỉ đạo triển khai cơ cấu lại các ngân hàng liên doanh và định hướng hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng giữa Việt Nam và các nước; báo cáo Thủ tướng Chính phủ định hướng xử lý đối với 02 ngân hàng liên doanh (Việt Thái, VID Public) chưa đảm bảo mức vốn điều lệ theo quy định; rút giấy phép, đóng cửa một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động không có hiệu quả hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, chuyển giao tài sản, công nợ sang đơn vị trực thuộc của cùng ngân hàng mẹ hoạt động ở Việt Nam.

Kết quả cơ cấu lại của từng nhóm TCTD cho thấy, việc cơ cấu lại trong năm 2012 chủ yếu mang tính bắt buộc đối với ngân hàng yếu kém có nguy cơ đổ vỡ, nhưng sang năm 2013 việc cơ cấu lại đã mang tính chủ động và tự nguyện từ các TCTD. “Điều này chứng tỏ chủ trương, chính sách, biện pháp tái cơ cấu ngân hàng đã được tuyên truyền, phổ biến tốt và nhận thức về tái cơ cấu ngân hàng, tư duy quản trị của các chủ sở hữu TCTD đã có sự thay đổi căn bản theo hướng thừa nhận sự tất yếu khách quan phải tái cơ cấu để vượt qua những hạn chế, yếu kém và tăng cường năng lực cạnh tranh” – Thống đốc đánh giá.Tổng tài sản của toàn hệ thống tăng 5,67% so với cuối năm 2012

Theo Thống đốc, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng các TCTD vẫn nỗ lực cải thiện năng lực tài chính và tăng vốn điều lệ để tạo điều kiện mở rộng hoạt động và nâng cao khả năng đối phó với các rủi ro trong hoạt động. Trong đó, vốn điều lệ của các TCTD năm 2012 tăng 11,29% và 9 tháng đầu 2013 tăng 5,12%. Nhờ đó, an toàn hệ thống các TCTD được bảo đảm và khả năng chi trả của các TCTD được cải thiện, nguy cơ gây đổ vỡ, mất an toàn hệ thống đã giảm dần, tài sản của Nhà nước và tiền gửi của nhân dân được bảo đảm an toàn, góp phần giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, việc cơ cấu lại các TCTD yếu kém chủ yếu bằng nguồn lực của khu vực tư nhân, hệ thống ngân hàng vừa bảo đảm giữ vững an toàn, không giảm đầu tư và làm gián đoạn cung cấp dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế cho thấy sự cố gắng rất lớn của hệ thống ngân hàng trong thời gian qua.

Làm rõ hơn và từng bước triển khai các giải pháp xử lý tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo (các TCTD sở hữu vốn lẫn nhau, cổ đông và người có liên quan vay vốn ngân hàng,...) đang có xu hướng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro và cản trở quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD hiện nay. Do sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam là vấn đề có tính lịch sử, phức tạp nên cần được xử lý từng bước, triệt để và bằng nhiều giải pháp đồng bộ.

Tiếp tục quản lý chặt chẽ việc thành lập mới các TCTD và mở rộng mạng lưới theo các tiêu chuẩn, điều kiện thận trọng hơn, chỉ đạo các TCTD sắp xếp lại và tăng cường quản lý, giám sát mạng lưới hoạt động, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phù hợp với thực tế hoạt động của từng TCTD nhằm bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD, gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu chung của toàn hệ thống cũng như từng TCTD, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013, số lượng các chi nhánh, phòng giao dịch được mở rất thấp so với các năm trước. Các chi nhánh, phòng giao dịch được thành lập chủ yếu phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn vùng sâu, vùng xa hoặc an ninh, quốc phòng góp phần nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với dịch vụ ngân hàng ở khu vực này và phân bố lại mạng lưới của các TCTD hợp lý hơn. Việc hạn chế mở rộng mạng lưới của các TCTD góp phần hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu hoạt động.

Các TCTD đã quan tâm đổi mới, nâng cao hiệu quả hệ thống quản trị, điều hành, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ và rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy; cơ cấu lại hoạt động kinh doanh và danh mục tài sản; từng bước định hướng chiến lược kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa công nghệ ngân hàng gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu chung của toàn hệ thống cũng như từng TCTD.

Hành lang pháp lý hỗ trợ cho quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD tiếp tục được NHNN và các cấp, các ngành quan tâm hoàn thiện.

Nhờ triển khai quyết liệt quá trình cơ cấu lại nên nhìn chung hoạt động của hệ thống các TCTD đảm bảo an toàn và có bước phát triển. Trong đó, tính đến cuối tháng 09/2013: Tổng tài sản của toàn hệ thống tăng 5,67% so với cuối năm 2012; vốn chủ sở hữu tăng 8,06%; lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) toàn hệ thống đạt 0,54%; lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) toàn hệ thống đạt 5,55%.

Thống đốc cho biết thêm: Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình cơ cấu lại các TCTD hiện nay còn một số khó khăn, vướng mắc, như: Khuôn khổ pháp lý cho việc cơ cấu lại các TCTD nói chung chưa hoàn thiện; việc xử lý các TCTD yếu kém đòi hỏi phải nhanh để hạn chế tổn thất và ảnh hưởng đến an toàn hệ thống trong khi đây là vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của nhiều bên và mất nhiều thời gian với nhiều thủ tục, quy định liên quan; việc huy động các nguồn vốn và tìm kiếm các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, quản trị để tham gia tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các TCTD không thuận lợi do điều kiện kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn../.