Mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp cũng như thông điệp mạnh mẽ: Sẽ cách chức người đứng đầu doanh nghiệp chần chừ cổ phần hóa…, tuy nhiên, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước năm 2014 - 2015 vẫn bị “lỗi hẹn”.
Không thể về “đích”
Kế hoạch cổ phần hóa (CPH) đã được Chính phủ đề ra lộ trình cụ thể theo phương án sắp xếp CPH doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã được phê duyệt, giai đoạn 2011-2015 dự kiến CPH 527 DN. Tuy nhiên, năm 2015 là năm cuối của kế hoạch CPH kết thúc, nhưng theo số liệu của Bộ Tài chính tính đến tháng 11/2015, cả nước còn phải thực hiện CPH 130 DN.
Từ năm 2011 - 11/2015, cả nước mới CPH được 397 DN, đạt 75% kế hoạch. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự kiến hết năm 2015, Việt Nam sẽ thực hiện CPH được 210 DN nâng số DN CPH của cả giai đoạn lên 459 DN, chỉ đạt khoảng 90% kế hoạch của cả giai đoạn 2011 - 2015.
Lý giải những khó khăn trong việc thoái vốn, CPH DNNN, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chậm là do chính sách chưa đồng bộ. Tư tưởng của một số lãnh đạo trong các đơn vị CPH chưa quyết liệt, còn biểu hiện tính cá nhân, khó khăn trong việc định giá DN. Việc thực hiện CPH vẫn còn sự “du di” không quyết liệt, bởi tâm lý của lãnh đạo các DN không ít người còn e ngại sợ mất vị trí, mất quyền và lo nhất khi DN thực hiện cổ phần hóa sẽ lộ những tồn tại, yếu kém, gắn trách nhiệm người điều hành DN.
Việc thiếu minh bạch thông tin là một nguyên nhân cơ bản khiến DN khó thu hút được nhà đầu tư tiềm năng. Các nhà đầu tư thường e ngại khi các thông tin liên quan đến hoạt động, đến tài chính DN không công khai, không trung thực. CPH chậm nguyên nhân chính là do các nhà đầu tư khá thờ ơ với cổ phiếu của các DN CPH, đặc biệt là cổ phiếu thiểu số tại DNNN.
Tính đến tháng 11/2015 cả nước còn phải thực hiện CPH 130 DN. (Ảnh minh họa: KT) |
Bên cạnh những khó khăn trong việc định giá DN, thiếu thông tin minh bạch... còn có nguyên nhân là các bộ chủ quản không muốn “buông” những DN sinh lời, các tập đoàn lớn cũng chưa muốn rút vốn tại những dự án có hiệu quả. Đơn cử như Bộ Xây dựng vừa chính thức có văn bản đề nghị Chính phủ chưa thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các tổng công ty thuộc Bộ với lý do được đưa ra là các tổng công ty này phần lớn đều hoạt động có hiệu quả.
Hay như Bộ Công Thương, với nhiệm vụ trong năm 2015 phải cổ phần hóa 3 tổng công ty: TCT Máy thực vật và nông nghiệp, Tổng Công ty máy & thiết bị công nghiệp và IPO TCT Giấy Việt Nam và Bộ phải phê duyệt phương án CPH của 27 DN khác thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty. Tuy nhiên, tiến độ CPH các DN của Bộ này vẫn “giậm chân tại chỗ”…
Chưa nghiêm nên bị “nhờn”?
Trước tình trạng này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo, xử lý nghiêm lãnh đạo chậm CPH với tinh thần “ai không làm thì đứng sang một bên”, Phó Thủ tướng nêu câu hỏi: “Đối với sự chậm trễ trong CPH vừa qua đã xử lý được trường hợp nào chưa? Tôi chưa nghe thấy xử lý được trường hợp nào cả. Nếu có đề nghị các bộ, ngành, địa phương nêu tên để đưa lên phương tiện thông tin đại chúng. Không xử lý sẽ nhờn, sẽ cho rằng không làm cũng không sao”.
Rõ ràng, quyết tâm CPH là có nhưng tại sao CPH, thoái vốn chậm vẫn hoàn chậm? Câu hỏi đặt ra, liệu có phải các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty không thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về xử lý trách nhiệm người đứng đầu DNNN khi không hoàn thành kế hoạch CPH hay không?
Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng: “Vai trò của Nhà nước trong chỉ đạo điều hành chưa quyết liệt, đặc biệt là vấn đề xử lý. Mặc dù Phó Thủ tướng Chính phủ đã có tuyên bố anh nào chưa làm được, đơn vị nào chưa làm được thì đứng ra ngoài cuộc. Nói như thế nhưng đến nay vẫn chưa xử lý ai. Cho nên người nọ nhìn người kia, không có tác dụng răn đe, không có tác dụng thực hiện nghiêm túc dẫn đến bị nhờn”.
Tuy nhiên, không ít chuyên gia cho rằng trong bối cảnh thị trường này, Nhà nước cũng không nên bằng mọi cách phải CPH bằng được, không nên bán rẻ DN và cần quan tâm đến chất lượng CPH chứ không nên tập trung quá vào số lượng. Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch khẳng định: “CPH phải đa sở hữu thực sự, nếu CPH mà Nhà nước vẫn giữ 7,8,9% thì có ý nghĩa gì? Nhà nước cũng không nên nôn nóng dẫn đến tình trạng bán đổ bán tháo tài sản. Vấn đề là quyết tâm làm và có lộ trình cụ thể là được rồi”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, việc thoái vốn cũng phải phụ thuộc vào thị trường. Những năm trước thoái vốn khó khăn là do thị trường chứng khoán cũng gặp khó khăn do không tìm được người mua. “Câu chuyện này cần thận trọng, CPH chậm thì sốt ruột lắm nhưng cũng đừng vì thế mà bán rẻ doanh nghiệp” ông Hiển chia sẻ.
“Trong 5 năm 2016-2020, tiến trình CPH DNNN phải tiếp tục làm quyết liệt hơn khi mọi cơ chế đã rõ ràng. Đặc biệt, cải thiện thông tin minh bạch để tiếp tục CPH, thu hút nhà đầu tư ngoại”, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết./.